Chúng ta đang sống trong một thế giới biến động. Nếu không có đại dịch Covid-19, không có chiến sự Ukraine thì thế giới cũng vô cùng biến động. Nhưng cộng thêm thiên tai, hiểm họa thì mức độ biến động nhân lên rất khủng khiếp. Liệu chúng ta sẽ sống như thế nào? Kinh doanh và làm việc thế nào trong bối cảnh đó?…
TS. Giản Tư Trung chia sẻ tại buổi gặp gỡ
Đó là vấn đề mà TS. Giản Tư Trung (Hiệu trưởng Trường Doanh nhân Pace, Chủ nhiệm IPL Scholarship) đặt ra tại buổi gặp gỡ và đối thoại với chủ đề “Khai phóng thời biến động” với sự tham dự của nhiều doanh nhân và bạn trẻ.
Khai phóng tạo ra vận mệnh mới
Theo TS. Giản Tư Trung, sự học khai phóng là cần thiết cho tất cả mọi người, mọi độ tuổi, mọi ngành nghề và mọi xã hội, nhất là trong thời đại ngày nay. Theo định nghĩa của ông, khai phóng được hiểu đơn giản là khai minh và giải phóng. Khai là mở, minh là sáng. Khai minh tức là mở ra con người tăm tối để đưa ánh sáng vào và làm cho mình sáng ra. Khai phóng là hiệu quả tất yếu của khai minh. Một con người khi đã khai minh điều được giải phóng chính mình ra khỏi giáo điều, ấu trĩ, sự tâm tối, ngộ nhận, chủ quan, duy ý chí… Nghĩa khác của khai phóng là khai mở tâm trí, giải phóng tiềm năng. Khai mở tâm trí để có một cái đầu sáng nhằm có thể minh định được con đường đúng cùng một trái tim nóng để thôi thúc hành động. Khi tâm trí khai mở, việc phát huy hết tiềm năng để thăng hoa trong công việc và cuộc sống là điều hiển nhiên. “Trong thời biến động như hiện nay, liệu con người ta có thể vững vàng được không khi không có chỗ dựa? Liệu con người ta có thể đủ khả năng, sức mạnh, tầm nhìn để đối diện với nghịch cảnh không nếu không có cái gì đó để làm nền tảng? Cho nên giáo dục khai phóng dẫn con người đến với những giá trị bao quát, những nguyên lý trường tồn. Hay nói cách khác, dẫn con người ta đến với những giá trị bất biến mà nếu biết cách dựa trên những giá trị đó thì con người sẽ vững vàng hơn trước mọi thách thức, biến cố của thời cuộc, rút ra nghịch cảnh cho cuộc sống”, TS. Giản Tư Trung chia sẻ.
Nếu như giáo dục chuyên môn giúp con người có nghề thì giáo dục khai phóng giúp họ có tầm, nhất là đối với các bạn trẻ. Nếu không có tinh thần khai phóng và sự học khai phóng sẽ không có thế hệ doanh nhân mới mà người trẻ đang là đối tượng đáng quan tâm. Ở góc độ của mình, TS. Giản Tư Trung cho rằng thế hệ doanh nhân mới là thế hệ doanh nhân không chỉ có năng lực lãnh đạo mà còn có chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và tinh thần ái quốc. Một thế hệ doanh nhân rất nhân loại, rất chính mình. Cho dù làm ăn nhỏ hay làm ăn lớn vẫn không thay đổi. Để hình thành thế hệ doanh nhân mới này phải áp dụng mô hình giáo dục khai phóng, trong đó có 4 năng lực là: Năng lực văn hóa, năng lực công dân, năng lực chuyên môn và năng lực lãnh đạo. Bốn năng lực này giúp con người trở thành một công dân tự do, một doanh nhân trách nhiệm, một chuyên gia ưu tú.
Theo TS. Giản Tư Trung, giáo dục khai phóng không quá xa lạ, cao siêu mà rất đời thường. Giáo dục khai phóng không phải đặc quyền của những người xuất sắc mà dành cho tất cả những con người bình thường và phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của họ. “Muốn phát triển 4 năng lực trên, chúng tôi có niềm tin và tôn chỉ đó là tin vào thực học. Một người không tin vào thực học sẽ không tin vào bất cứ việc gì. Tôn chỉ là tự lực khai phóng. Không ai có thể thay đổi một người ngoại trừ chính họ. Không ai có thể khai phóng một người ngoại trừ chính họ. Thời biến động làm mọi giá trị điều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Trong bối cảnh đó, khai phóng càng vô cùng ý nghĩa. Biết – sống – thẳng là hành trình không bao giờ dừng lại. Nó giúp bản thân đạt được những gì mình muốn từ những gì mình làm”, TS. Giản Tư Trung khẳng định.
Làm gì để khai phóng chính mình?
Ngày nay, người trẻ rất tài giỏi, trở thành một doanh nhân, một lãnh đạo khi tuổi đời chưa quá 35 tuổi. Họ nhiệt huyết, hăng say với công việc. Theo nhà giáo dục, ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, các doanh nhân trẻ khởi nghiệp đầy nhiệt huyết để ứng phó với sự biến động. Nhưng trong biến động thách thức lớn nhất là bất định. Muốn giải mã bất định chỉ có thực học, trang bị cho bản thân: Tâm – trí – lực thì lúc đó mới hành động đúng, giải quyết mọi việc hiệu quả. “Ngày nay, các bạn trẻ, doanh nhân trẻ phải lướt sóng. Người lướt sóng phải uốn mình, linh động trước làn sóng lớn. Để làm được vậy, người lướt sóng phải giải mã những con sóng sắp vỗ vào. Giải mã để định hướng. Học để giải mã. Giải mã đúng, hành động đúng”, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh.
Đối với lãnh đạo trẻ, GS. Phan Văn Trường (chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế) cho hay, là lãnh đạo phải cầm chắc tay lái để tình huống nào đến cũng lái được. “Khi tôi còn làm lãnh đạo, tôi không bao giờ nghĩ lúc nào là biến động, lúc nào không. Nhưng mình phải biết mình đi đâu. Nếu bản thân không biết đi đâu mình không thể lãnh đạo được”, GS. Phan Văn Trường khẳng định. Ngoài ra, một người lãnh đạo cần phải hiểu được tại sao, giải thích được tại sao và có tinh thần không phá hoại. “Lãnh đạo rất dễ phá hoại doanh trường của mình. Ví dụ, xuống giá thành của dự án để “giết” đối thủ cạnh tranh. Điều này xảy ra khá thường xuyên. Có nhiều dự án xuống giá đến một lúc nào đó rồi gặp tiêu cực. Do đó, mình có thể cạnh tranh nhưng không được “giết” doanh trường”, GS. Phan Văn Trường chia sẻ.
Nhiều doanh nhân và bạn trẻ tham gia buổi gặp gỡ và đối thoại
Theo GS. Phan Văn Trường, yếu tố tiếp theo là tiết kiệm. Với thế giới hôm nay, sự phung phí phải được cân nhắc nhiều hơn trước. Bây giờ là thời kỳ tiết kiệm, không còn là thời kỳ phung phí bất cứ điều gì. Cuối cùng là người lãnh đạo phải biết tự điều chỉnh tổ chức của mình để sau này có thể đối mặt với thách thức mới.
Là một người trẻ, Nguyễn Thúy Duy (giảng viên ĐH tại TP.HCM) cho rằng người trẻ cần học cách vượt qua biến động. “Có ba yếu tố làm nên điều đó. Thứ nhất là phải học. Học ở đây không nhất thiết phải ngồi trên ghế nhà trường mà học ở bất cứ nơi đâu. Học từ những người trẻ, cha mẹ, đồng nghiệp… giúp mình có nền tảng chuyên môn vững chắc. Thứ hai là người trẻ không nên lười, nghĩ là làm, vượt qua sự lười nhát. Thứ ba là có một nghề nghiệp vững chắc để đồng hành cũng xã hội, cùng giải quyết những khó khăn cho bản thân và cuộc sống”, Nguyễn Thúy Duy chia sẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)