Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đã có 89% phụ huynh học sinh đề nghị bỏ sổ liên lạc điện tử

Tạp Chí Giáo Dục

Theo kết quả khảo sát trên báo, 89% phụ huynh học sinh cho rằng sổ liên lạc điện tử chỉ để nhắn tin đóng tiền, báo bài là không cần thiết.

Đã có 89% phụ huynh học sinh đề nghị bỏ sổ liên lạc điện tử - ảnh 1

Kết quả khảo sát về sổ liên lạc điện tử trên báo TN tính đến 9 giờ ngày 5.11. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Trong bài viết Sổ liên lạc điện tử chỉ để nhắn tin đóng tiền, báo bài: Có cần tồn tại? ngày 4.11, Báo Thanh Niên đã thực hiện khảo sát, thăm dò trực tuyến. Kết quả cho thấy có 89% phụ huynh học sinh cho rằng không cần thiết tồn tại sổ liên lạc điện tử nếu đang thực hiện những chức năng như hiện nay.

Đồng thời, Báo Thanh Niên đã nhận được hàng ngàn ý kiến cũng như quan điểm rõ ràng cần thiết hay không cần thiết của hình thức liên lạc này.

Quá lãng phí!

Bạn đọc có địa chỉ email “phuthanh.hcm.20…” cho rằng đây là sự lãng phí với phí đóng khoảng 120.000 đồng/học sinh/năm nhưng mức độ cập nhật tin tức thua nhóm do giáo viên chủ nhiệm thiết lập trên Zalo để liên hệ với tất cả phụ huynh học sinh.

Đã có 89% phụ huynh học sinh đề nghị bỏ sổ liên lạc điện tử - ảnh 2

Phụ huynh học sinh nhận báo bài hàng ngày. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Tương tự, phụ huynh Nguyễn Quỳnh Anh cho biết: "Sổ liên lạc điện tử của con tôi duy nhất chỉ nhắn 2 tin báo điểm thi. Mọi thứ còn lại đều nhắn qua nhóm Zalo mà phải tốn 80.000 đồng/năm. Tôi thấy không hợp lý".

Đồng quan điểm trên, bạn đọc Bùi Tuấn Sơn gửi ý kiến: "Quá lãng phí. Sổ liên lạc điện tử chỉ nhận 2-4 tin nhắn/năm học báo kết quả học tập như vậy quá phung phí, quá đắt đỏ. Cần nghiêm túc nhìn nhận mục đích của sổ liên lạc điện tử là gì, có cần duy trì không?".

Không chỉ có vậy, một bạn đọc bức xúc: "Cháu tôi học ở TP.Thủ Đức, đóng tiền sổ liên lạc điện tử Vietschool nhưng 2 tháng chẳng có nội dung gì thông báo, giao diện sổ thì sơ sài. Rất bất bình khi chưa nhận được một tương tác nào giữa nhà trường với phụ huynh qua sổ liên lạc điện tử thì đã hàng trăm cuộc gọi gọi cháu đúng tên, đúng lớp mời học tiếng Anh, sinh trắc vân tay".

Từ những phản ứng nói trên, bạn đọc cho rằng cần phải trả lại đúng công năng của sổ liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Có bạn đọc chỉ ra rằng trước đây dùng sổ liên lạc giấy chỉ mất 5.000 đồng cho cả năm học, hàng tháng giáo viên đánh giá năng lực học tập và phụ huynh theo dõi, ký tên. Bạn đọc này bình luận: "Ngày nay dùng sổ liên lạc điện tử có phí gấp mấy chục lần mà tính năng không khác?. Quá lãng phí. Lợi chưa thấy gì, chỉ thấy hại là tốn tiền thôi. Thời đại công nghệ thiếu gì ứng dụng để thông báo miễn phí”.

Ứng dụng "đầu voi đuôi chuột"

Từ thực tế những tính năng đang hiện hữu trên các ứng dụng sổ liên lạc điện tử chưa cập nhật hay chưa có nội dung, bạn đọc Hoàng QC cho rằng: “Ứng dụng công nghệ theo kiểu đầu voi đuôi chuột! Khi giáo viên sử dụng bài giảng, giáo án điện tử thì có thể đưa lên không gian mạng. Ít nhất là khi học sinh vắng học thì còn có thêm cách để theo bài. Phụ huynh cũng có cách để kiểm tra… Vậy mà những tính năng phụ huynh, học sinh cần thì không có!”.

Là một phụ huynh học sinh ủng hộ việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục cũng như các giá trị trong môi trường giáo dục, anh Dương Thanh Hiếu, hiện đang công tác tại một tập đoàn công nghệ tại TP.HCM, nói rằng: "Việc ứng dụng công nghệ, giảm bớt những thủ tục hành chính, những thao tác thủ công, kết nối dữ liệu trên toàn hệ thống là xu thế phát triển cần thiết của tất cả các lĩnh vực".

Tuy nhiên, theo anh Hiếu, khi đã đưa vào sử dụng thì ứng dụng phải thể hiện ưu điểm vượt trội để người sử dụng nhìn thấy rõ lợi ích của việc chuyển đổi. "Với riêng ứng dụng quản lý học sinh mà các trường đang đưa vào thực hiện như hiện nay, phụ huynh học sinh đóng phí để sử dụng ứng dụng nhưng mới chỉ thụ hưởng một vài tính năng sổ liên lạc điện tử đơn giản như điểm danh, báo bài, không cấp thiết, không tiện ích thì rõ ràng đã không đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Tôi cho rằng cần có sự thay đổi và điều chỉnh phù hợp", anh Hiếu lưu ý.

Theo Bích Thah/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)