Nhiều dự án phim từ hoạt hình cho đến điện ảnh đã và đang gọi vốn từ cộng đồng để hiện thực hóa tác phẩm, phục vụ khán giả.
Dự án phim hoạt hình dài tập "Con Thỏ" xoay quanh nhân vật hư cấu Thỏ Bảy Màu hiện đang gọi vốn cộng đồng trên nền tảng Comicola.vn. Dự án mong muốn gọi được số vốn 1,2 tỉ đồng để sản xuất 3 tập đầu tiên. Tổng chi phí dự kiến để sản xuất 10 tập phim cùng 2 tập đặc biệt lên đến 6 tỉ đồng. Hiện dự án đang gọi được số vốn gần 284 triệu đồng, đạt 23,67% và còn cần nhiều sự đóng góp hơn.
Thỏ Bảy Màu là nhân vật hư cấu được nhiều khán giả yêu mến. Ảnh chụp màn hình
Thỏ Bảy Màu là nhân vật do Huỳnh Thái Ngọc sáng tạo hơn 8 năm trước, nhận được sự yêu mến của khán giả trên nền tảng YouTube. Nhân vật này được khắc họa bằng nét vẽ đơn giản nhưng dí dỏm kèm theo các câu chuyện hài hước dưới hình thức hoạt hình ngắn. Tính đến nay, Thỏ Bảy Màu đã có hơn 94 triệu lượt xem và 1,21 triệu lượt đăng ký tài khoản YouTube. Vì thế, Huỳnh Thái Ngọc cùng ê-kíp mong muốn sản xuất chuyên nghiệp loạt phim hoạt hình về nhân vật này. Trước đó, họ đã phối hợp Sun Wolf Animation Studio thực hiện tập phim "Hành trình chuyển sinh" và nhận nhiều đánh giá tích cực trên YouTube.
Theo kế hoạch đề ra, 60% số tiền gọi vốn thu được dùng sản xuất phim và 40% còn lại cho các chi phí vận hành, tiền thuế, sản xuất quà tặng độc quyền cho người góp vốn. Ê-kíp Thỏ Bảy Màu vẫn sẽ phối hợp Sun Wolf Animation Studio để thực hiện các tập của phim hoạt hình "Con Thỏ".
Đây không phải tác phẩm đầu tiên dùng hình thức gọi vốn cộng đồng để biến ước mơ thành hiện thực, tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh từ các dự án trên giấy. Trước đó, phim điện ảnh "Momentori: Đất" do Marcus Vũ Mạnh Cường viết kịch bản và đạo diễn, lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật trong cuốn sách "Điểm đến của cuộc đời" của tác giả Đặng Hoàng Giang, ra mắt khán giả vào đầu tháng 10. Phim được sự đồng hành của các đối tác trong và ngoài ngành điện ảnh, sự ủng hộ của các nhà đầu tư thông qua hình thức gây quỹ cộng đồng.
Ngoài hình thức gọi vốn cộng đồng, nhà làm phim còn gọi vốn qua công nghệ blockchain. Các NFT này đại diện cho tập tin duy nhất, là tài sản không thể thay thế nên cũng không thể hoán đổi cho nhau như những loại tiền điện tử. Nhà đầu tư sẽ xem xét dự án phim đã được mã hóa thành các NFT trên nền tảng số nào đó, chấp thuận bỏ tiền mua các NFT này rồi phía nền tảng sẽ chuyển hóa sang tiền thật cung cấp cho nhà làm phim. Trong khi đó, tiến trình làm phim vẫn thực hiện như bình thường.
Phim "Chó săn" của đạo diễn Phạm Thanh Hải đang trong quá trình bán NFT trên nền tảng NFT5 của Remitano – đơn vị hậu thuẫn của nền tảng này. Phim "Móng vuốt" của đạo diễn Lê Thanh Sơn mở bán ngày 19-8 và nhanh chóng bán hết 10.000 NFT với giá 234.000 đồng/NFT. Phim "Kềm thép" của Phan Thanh Nhiên sắp mở bán.
Có thể nói hình thức gọi vốn cộng đồng hiện nay đã mở ra giải pháp mới cho nhà làm phim, tạo cơ hội cho các nhà làm phim biến những ấp ủ của mình thành tác phẩm hoàn chỉnh, không chỉ trông đợi vào những nhà đầu tư lớn.
Theo Minh Khuê/NLĐO
Bình luận (0)