Năm 2022, thị trường nhạc Việt “nóng” vấn đề bản quyền, nhạc “rác” xuất hiện nhan nhản, nhưng nhìn lại một năm, vẫn có nhiều điểm sáng ấn tượng, ghi nhận nỗ lực của người làm nghề.
Nhạc “rác” và vi phạm bản quyền
Vào cuối tháng Tư năm nay, sau khi tung MV There’s no one at all, ca sĩ Sơn Tùng M-TP nhận về làn sóng chỉ trích gay gắt, cho rằng hình ảnh trong MV cổ xúy cho nạn tự tử – vấn đề cực kỳ nhạy cảm thời điểm sản phẩm ra mắt. MV bị buộc gỡ khỏi YouTube, Sơn Tùng M-TP bị phạt 70 triệu đồng. Vụ việc này tạo ra những cuộc tranh cãi không hồi kết về giới hạn sáng tạo của nghệ sĩ.
Sau đó, nhạc Việt liên tục xuất hiện một số MV gợi cảm quá đà, chứa hình ảnh dung tục và nhanh chóng “bốc hơi” khỏi YouTube. Đáng kể có MV Black hickey Chi Pu phát hành; loạt MV phản cảm mang tên Bốc bát họ, Ông bà già tao lo hết, Trơn, Quan hệ rộng, Lái máy bay của rapper Bình Gold... Việc các sản phẩm bị chỉ trích và buộc gỡ khỏi YouTube cho thấy người nghe đã bắt đầu có trách nhiệm hơn với những thứ được gắn mác “nghệ thuật”, và cơ quan chức năng không còn đứng ngoài cuộc.
Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô 2022 diễn ra tại TPHCM
Nhạc cổ điển rời tháp ngà
Năm 2022 là thời điểm cho thấy hình thái mới của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam. Âm nhạc cổ điển giờ đây không chỉ vang lên nơi nhà hát sang trọng, mà tại những không gian nhỏ hơn, gần gũi hơn, các buổi biểu diễn âm nhạc hàn lâm đã được tổ chức. Ca sĩ opera Thế Huy liên tục thực hiện những buổi trình diễn nhạc cổ điển thể nghiệm tại không gian làm việc. Nơi đó chỉ có một chiếc piano và những chiếc ghế nhỏ, Thế Huy hát không micro. Âm thanh nhỏ nhưng đủ du dương, đủ sức tạo cho người nghe cảm giác thích thú, làm quen bước đầu với nhạc cổ điển. Trong khi đó, nghệ sĩ violin Hoàng Rob ra mắt album Mùa hè vĩnh cửu và chuỗi hoạt động nghệ thuật giao thoa giữa tiếng đàn violin với âm nhạc đương đại. Thành công của Hoàng Rob vượt hơn mong đợi, truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trẻ dấn thân, đưa âm nhạc cổ điển lan tỏa hơn nữa.
Album, E.P bùng nổ lượng và chất
Năm 2022, nếu nhìn vào số lượng album và E.P (còn gọi là đĩa mở rộng, chứa nhiều bài nhạc hơn một đĩa đơn nhưng ngắn hơn album) được phát hành, không khó để đưa ra nhận định rằng nhạc Việt đã có một năm khởi sắc. Điều đáng nói, nhiều album và E.P đạt chất lượng, mang thông điệp và thể hiện sức sáng tạo của nghệ sĩ.
Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền với album Colours, Hoàng Thùy Linh với Link, Tóc Tiên ra mắt Cong, Vũ giới thiệu album Một vạn năm, Hoàng Dũng trình làng E.P Yên, Thiều Bảo Trâm làm mới bản thân với E.P After you… Đây chỉ là một số trong rất nhiều sản phẩm dài hơi của nghệ sĩ đã giới thiệu trong năm 2022. Chính sự lao động nghiêm túc, sáng tạo của nghệ sĩ đã giúp thị trường nhạc Việt sôi động hơn, hồi phục hẳn sau thời gian “đóng băng” vì dịch bệnh.
Lễ hội âm nhạc, live show ấn tượng
2022 cũng là năm nhiều đêm nhạc, sự kiện âm nhạc lớn được tổ chức, trong đó có sự trở lại của Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô diễn ra tại TPHCM. Sự kiện diễn ra ở 2 sân khấu, thu hút dàn nghệ sĩ hùng hậu hơn, kết hợp nhiều hoạt động đi kèm ấn tượng. Năm qua, riêng TPHCM có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật mang tính thương hiệu như chuỗi đêm nhạc Thành phố tình yêu, biểu diễn tại các công trình biểu tượng, di sản của thành phố được khán giả chào đón. Đây là tiền đề quan trọng để năm 2023, thành phố tiếp tục có những hoạt động âm nhạc đặc sắc, hiệu quả hơn.
Theo Diễm Mi/PNO
Bình luận (0)