Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Súc vật gây tai nạn: Chuyện không thể đùa!

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ sở hữu cần có sự quản lý chặt chẽ vật nuôi của mình

Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ việc súc vật gây thương tích cho người đã cho thấy mối nguy hiểm của hành động chăn thả súc vật thiếu kiểm soát, có thể gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản của những người xung quanh.

Hết chó lại đến… trâu, bò

Ngày 12-3, vụ việc 4 con chó dữ lao vào cắn chủ nhà (Hà Nội) đã gây hoang mang trong dư luận. Đoạn clip dài khoảng 20 giây được lan truyền trên mạng nhanh chóng. Được biết, 2 con chó thuộc giống Doberman và 2 con thuộc giống Rottweiler vốn được xem là giống chó hung dữ. Dù có một người khác cầm gậy dài hù dọa, ngăn cản chó nhưng chúng vẫn không buông tha chủ nhân của mình. Hành động hung hãn, cố gắng lao vào cắn xé chủ nhân, vốn là người từng chăm sóc, âu yếm chúng đã cho thấy việc nuôi chó dữ trong nhà cũng tiềm ẩn không ít mối nguy hại cho bản thân mình và những người xung quanh. Hiện nay, ngoài việc nuôi chó dữ để giữ nhà và kinh doanh, phong trào nuôi chó cảnh cũng phát triển khá rầm rộ. Trên nhiều tuyến đường, hình ảnh những chú chó được chủ nhân dắt đi cùng xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí, có người vừa chạy xe, vừa để chó chạy theo sau hoặc để chó ngồi trên xe. Điều này gây nguy hiểm cho những người điều khiển phương tiện xung quanh nếu xử lý không kịp.

Mối nguy hại không chỉ đến từ chó mà đôi khi còn đến từ cả những súc vật lớn như trâu, bò… chạy trên đường. Không ít vụ tai nạn cho người đã xảy ra mà nguyên nhân chính là từ trâu, bò được thả rông. Ngày 8-3, một con trâu đã húc 3 người dân đang đi đường ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Vụ việc khiến họ bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu và làm hư hỏng nhiều tài sản. Ngày 9-3, một con trâu cũng đã húc ông Phạm Ngọc Thành (Bảo Lâm, Lâm Đồng) khiến ông Thành phải nhập viện cấp cứu. Thực tế hiện nay, trên một số tuyến giao thông vẫn xuất hiện tình trạng trâu, bò đi lại nghênh ngang trên đường. Vào thời điểm chiều tối, có lúc lên tới cả đàn, chiếm hết lòng đường, gây cản trở việc đi lại của người dân. Nhiều chủ phương tiện rất khó xử lý tay lái nhanh khi bất ngờ có trâu, bò chạy ngang đường dẫn đến tai nạn xảy ra là điều tất yếu. 

Nâng cao ý thức cảnh giác

Những vụ tai nạn cho người do súc vật gây ra liên tiếp trong thời gian qua đã cho thấy đây không thể xem là chuyện nhỏ. Hiện nay, tình trạng thả rông gia súc còn diễn ra ở nhiều nơi, tiềm ẩn nhiều phiền toái cho những người xung quanh. Bên cạnh đó, người chủ cũng thường lơ là trong việc quản lý vật nuôi của mình. Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP.HCM), “Điều 10, Nghị định 171/2013/ NĐ-CP đã có những quy định rất rõ ràng cho việc chăn, thả gia súc không đúng nơi quy định. Vấn đề pháp lý cần xác định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức với tư cách là chủ sở hữu súc vật, người chiếm hữu, sử dụng súc vật hoặc người thứ ba trong việc bồi thường những thiệt hại do súc vật gây ra”.

Điều 10, Nghị định 171/2013/ NĐ-CP

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000-60.000 đồng nếu không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố.

2. Phạt tiền từ 60.000-80.000 đồng đối với hành vi điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; Để súc vật đi trên đường bộ; Để súc vật đi qua đường không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông; Để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển.

3. Phạt tiền từ 80.000-100.000 đồng đối với hành vi dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ.

Ngoài ra, hành vi chăn dắt súc vật ở mái đường; buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, rào chắn, các công trình phụ trợ của giao thông đường bộ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000-100.000 đồng theo điều 15 của nghị định này.

Không ít người điều khiển phương tiện từng bị té xe bởi nguyên nhân chính là những con chó nuôi được thả rông, băng ngang qua đường. Khi đó, họ cũng chỉ biết ngậm ngùi cố gắng đứng dậy rồi đi tiếp vì không ai biết chủ nhân của con chó đó là ai. Đã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra vì người dân không nhận thức được hết những nguy hại tiềm ẩn của việc chăn nuôi thiếu sự kiểm soát. “Hiện nay, mức xử phạt đối với những vụ việc vi phạm liên quan đến chăn thả gia súc còn khá thấp. Việc xử phạt này lại không dễ. Do đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người chăn thả gia súc, việc tăng chế tài xử phạt là điều cần thiết. Hơn hết, mỗi người dân cần có ý thức nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ mình bằng cách không phóng xe nhanh để có thể xử lý tình huống kịp thời, không chọc phá súc vật…”, luật sư Võ Đan Mạch nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thục Quyên

Bình luận (0)