Biến thể COVID-19 XBB.1.16 đang gây ra làn sóng COVID-19 ở Ấn Độ và các bác sĩ coi đau mắt đỏ là một triệu chứng có thể liên quan.
Xét nghiệm COVID-19 ở Hyderabad, Ấn Độ.
XBB.1.16, còn được gọi là Arcturus, là một biến thể phụ của Omicron dường như dễ lây truyền hơn và là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 gia tăng gần đây ở Ấn Độ.
Mặc dù biến thể này đang lưu hành ở mức độ thấp tại Mỹ, nhưng các quan chức y tế đang theo dõi chặt chẽ.
Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về XBB.1.16 và gọi đây là “biến thể cần theo dõi”, hàm ý không nghiêm trọng bằng “biến thể đáng quan tâm”.
Tuy nhiên, tình trạng đó có thể thay đổi nếu biến thể có dấu hiệu tăng khả năng lây truyền, tăng độc lực hoặc có thể né kháng thể, WHO lưu ý.
XBB.1.16 hiện đã được phát hiện ở ít nhất 29 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và đang mở rộng khá nhanh chóng.
Vào cuối tháng 2, XBB.1.16 chỉ chiếm 0,21% trong tổng số ca COVID-19 trên toàn thế giới. Một tháng sau, con số này tăng lên 3,96% – theo số liệu mới nhất của WHO.
XBB.1.16 là gì, có nguy hiểm hơn không?
XBB.1.16 là một dòng con của biến thể Omicron tương tự như XBB.1.5, chủng đã thống trị số ca bệnh ở Mỹ từ tháng 1.
Nhưng XBB.1.16 có một đột biến trong protein gai của virus có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền và có thể lây nhiễm cao hơn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho hay, biến thể dường như không gây ra bệnh nặng hơn.
Ngày 18.4, Bộ Y tế Ấn Độ báo cáo 61.233 ca nhiễm COVID-19, đây là mức tăng đáng chú ý so với 15.208 ca được báo cáo vào ngày 31.3. Tuy nhiên, số ca nhập viện không tăng đáng kể.
Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco, Mỹ, giải thích rằng virus corona sẽ không bị tiêu diệt hoàn toàn, vì vậy nó sẽ tiếp tục phát triển với những biến thể mới.
Tuy nhiên, không hẳn các biến thể mới trở nên nguy hiểm hơn. Hầu hết dân số đều có khả năng miễn dịch nhờ vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên, nhờ đó sẽ giảm nguy cơ bệnh nặng.
Biến thể mới có gây ra các triệu chứng khác không?
Theo các báo cáo ngẫu nhiên từ Ấn Độ và các nơi khác trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, XBB.1.16 có thể gây ra triệu chứng mới.
Một số bác sĩ cho biết, biến thể mới dường như gây ra bệnh viêm kết mạc, thường được gọi là đau mắt đỏ, ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Trong một tweet gần đây, Vipin M. Vashishtha, bác sĩ nhi khoa người Ấn Độ, đồng thời là thành viên của chương trình Mạng lưới An toàn Vaccine của WHO, cho biết ông bắt đầu ghi nhận lại các trường hợp mắc COVID-19 ở trẻ em và ngày càng có nhiều trẻ em nhiễm XBB.1.16 có triệu chứng mắt đỏ và ngứa.
Tuy nhiên, tiến sĩ Michael Chang, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tại UTHealth Houston và Bệnh viện Children's Memorial Hermann, nói rằng đau mắt đỏ có nhiều nguyên nhân. Hiện tại chưa có đủ bằng chứng để nói rằng biến thể COVID-19 mới gây viêm kết mạc ở trẻ em.
Ông giải thích, các loại virus khác có thể gây viêm kết mạc. Adenovirus, có thể gây cảm lạnh nhẹ hoặc bệnh giống cúm và có thể dễ nhầm lẫn với COVID-19, là một trong số đó. Các trường hợp nhiễm adenovirus có xu hướng gia tăng vào mùa xuân và mùa hè.
Vaccine COVID-19 có hiệu quả đối với XBB.1.16 không?
Khi một biến thể mới của virus corona xuất hiện, một mối lo ngại nảy sinh là liệu vaccine hiện tại của chúng ta có bảo vệ chúng ta khỏi chủng đó hay không.
Vẫn còn quá sớm để biết vaccine COVID-19 có tác dụng thế nào với XBB.1.16. Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng các mũi tiêm vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong, ngay cả khi XBB.1.16 được phát hiện là có thể tránh được các kháng thể từ vaccine.
Gandhi giải thích, điều này là do, ngoài kháng thể, còn có các bộ phận khác của hệ miễn dịch được kích hoạt khi tiêm vaccine hoặc đã bị nhiễm virus, chẳng hạn như tế bào B và tế bào T, cũng có thể bảo vệ lâu dài chống lại virus.
Mặc dù không có lý do gì để lo lắng ngay bây giờ, nhưng Gandhi nói rằng bất cứ khi nào có một biến thể mới, dễ lây truyền hơn, thì những người lớn tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ bị biến chứng cao nhất. Bà kêu gọi những người trên 65 tuổi, hoặc đang có bệnh nền, đi tiêm nhắc lại vaccine COVID-19.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)