Một học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu đặt câu hỏi cho Ban tư vấn |
Vừa qua, chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 8 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tiếp tục diễn ra tại các trường THPT: Diên Hồng, Võ Thị Sáu và Tân Phong (TP.HCM).
Logistics là ngành gì?
Tại Trường THPT Diên Hồng, nhiều học sinh quan tâm đến vấn đề nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH. Em Phạm Hương Ly (lớp 12A2) băn khoăn: “Em nghe nói đợt xét tuyển đầu tiên thí sinh chỉ được chọn 2 trường, mỗi trường 2 ngành. Vậy các ngành (4 ngành – PV) của 2 trường có cần phải giống nhau không?”. Với băn khoăn này, ThS. Dương Duy Khải (đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết: Năm nay, Bộ GD-ĐT chỉ quy định về số lượng trường, số ngành trong một trường thí sinh được nộp hồ sơ chứ không quy định 2 ngành ở 2 trường phải giống nhau. Vì vậy thí sinh có thể đăng ký vào các ngành khác nhau ở 2 trường. Tương tự, ở các đợt tiếp theo, thí sinh được đăng ký xét tuyển cùng lúc vào tối đa 3 trường khác nhau, mỗi trường tối đa 2 ngành và cũng không bắt buộc đăng ký ngành giống nhau.
Đừng mất tinh thần vì làm bài không tốt Đó là lời khuyên của ThS. Đào Lê Hòa An (Trung tâm Đào tạo Ý tưởng Việt) dành cho học sinh lớp 12 trong buổi tư vấn tại Trường THPT Võ Thị Sáu. Theo ThS. Đào Lê Hòa An, nhiều thí sinh khi vào phòng thi thường hay mất bình tĩnh, thậm chí có em lo lắng đến mức quên cả tên, ngày tháng năm sinh của mình để ghi vào giấy thi. Điều này rất dễ ảnh hưởng tới tinh thần khi làm bài, dẫn đến chất lượng bài thi kém. Do đó, thí sinh đừng quá căng thẳng mà nên tập trung tinh thần, trấn tĩnh lại để làm bài thật tốt. Trong trường hợp môn thi đầu tiên làm không tốt, thí sinh cũng không nên để tinh thần ảnh hưởng tới các môn thi tiếp theo vì cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH vẫn còn phụ thuộc vào 2 môn còn lại. Nếu kết quả bài thi 2 môn còn lại tốt, kết quả bài thi thứ nhất không còn là vấn đề đáng lo ngại. |
Trong khi đó em Hà Vũ Bảo (lớp 12A3) hỏi: “Em xin hỏi logistics là ngành gì? Học xong có nhiều chỗ làm hay không?”. Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho hay: “Hiện nay logistics là ngành cần rất nhiều nhân lực do nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại các cảng, kho bãi đang ngày một tăng lên. Đây là ngành tối ưu hóa dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Quá trình này bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, làm thủ tục hải quan, giao hàng… hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa. Ra trường các em có thể công tác tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải đa phương thức nói riêng và các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, giao nhận nói chung… Hiện ngành này đang có hai trường đào tạo là ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM)”.
ĐH Y dược và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có cùng chương trình đào tạo?
Đó là vấn đề mà em Nguyễn Lâm Vinh (lớp 12A6 Trường THPT Võ Thị Sáu) quan tâm: “Em muốn biết sự khác nhau giữa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Trường ĐH Y dược TP.HCM về cách thức đào tạo, cơ hội việc làm?”. ThS. Nguyễn Quang Vinh (đại diện Trường ĐH Y dược TP.HCM) cho biết sự khác nhau đầu tiên giữa hai trường là ĐH Y dược TP.HCM trực thuộc Bộ Y tế, còn ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trực thuộc UBND TP.HCM (tiền thân là Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM). Về chương trình đào tạo: cả hai trường đều giống nhau về chương trình và bằng cấp đào tạo. Tuy nhiên, ĐH Y dược TP.HCM tuyển sinh trên cả nước, đào tạo bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, nhân viên y tế cộng đồng, đào tạo sau ĐH (thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1); còn ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ tuyển sinh hệ chính quy đối với sinh viên có hộ khẩu tại TP.HCM. Từ năm 2014, trường tăng lên 1.000 chỉ tiêu để đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tại TP.HCM. Do chỉ tiêu nhiều hơn và chỉ tuyển sinh thí sinh có hộ khẩu ở thành phố nên điểm chuẩn của trường thường thấp hơn ĐH Y dược TP.HCM khoảng 1-2 điểm…
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Bình luận (0)