Theo đánh giá của nhiều giáo viên, muốn nâng cao chất lượng giáo dục cần phải tích cực dạy học theo hướng tích hợp (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
Chủ đề liên môn được hiểu là các nội dung dạy học gần giống nhau hoặc có liên quan chặt chẽ với nhau trong các môn học của chương trình hiện hành. Đó còn là nội dung giáo dục liên quan đến các vấn đề thời sự của địa phương, đất nước…
Khi đó các chủ đề liên môn này được bổ sung vào kế hoạch dạy học và hoạt động giáo dục của nhà trường. Có như vậy mới hướng đến được mục đích xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên. Ngoài lý do các vấn đề của cuộc sống ngày nay không thể chỉ giải quyết bằng tri thức của một ngành học còn có yêu cầu của đổi mới kiểm tra, đánh giá đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng kiến thức nhiều lĩnh vực. Dạy học tích hợp – liên môn ở một mục đích khác còn giúp giáo viên và học sinh khắc phục được các bất cập trong nội dung chương trình và phương pháp dạy học thời gian qua.
Theo định hướng chung, tích hợp cao được thực hiện ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên. Tích hợp trong bài dạy đối với các môn gần có liên đới nhất và tích hợp theo chủ đề đối với các môn khác ít liên quan hơn. Tích hợp trong một môn học là tích hợp nội dung có liên quan của các phân môn, có thể lồng ghép các chủ đề như môi trường, năng lượng, biển đảo… vào hẳn nội dung luôn. Tích hợp dạng này phù hợp với tiểu học và THCS.
Giảng dạy tích hợp – liên môn đem lại lợi ích là kích thích giáo viên tư duy và không ngừng trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực, bộ môn khác nhau để có một phông kiến thức sâu, rộng đủ để đáp ứng với những đòi hỏi ngày càng cao của dạy học hiện nay. |
Trong tích hợp nhiều lĩnh vực thành một môn học có tích hợp kiến thức các môn lý – hóa – sinh thành khoa học tự nhiên; tích hợp kiến thức sử – địa thành môn khoa học xã hội (tích hợp cao) giữa môn riêng và lồng ghép kiến thức các môn khác; thiết kế chủ đề dạy học liên môn (tích hợp thấp). Tùy theo từng cấp để lồng ghép các vấn đề như: môi trường, khí hậu, dân số (tiểu học), kỹ năng sống, môi trường, dân số (THCS)…
Xây dựng kế hoạch dạy học tích hợp – liên môn cần theo mẫu chia ra các cột như: Tên bài, địa chỉ (tích hợp vào nội dung nào của bài), nội dung tích hợp (những kiến thức, kỹ năng, chủ đề có thể tích hợp, lồng ghép), mức độ tích hợp… Bảng mô tả quan hệ của nội dung chủ đề với các môn học có các cột: Nội dung chủ đề, môn 1, 2, 3, 4 (lớp nào, nội dung tích hợp gì).
Thực tế cho thấy giảng dạy tích hợp – liên môn đem lại lợi ích là kích thích giáo viên tư duy và không ngừng trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực, bộ môn khác nhau để có một phông kiến thức sâu, rộng đủ để đáp ứng với những đòi hỏi ngày càng cao của dạy học hiện nay. Bên cạnh đó học sinh hứng thú với những tiết học hơn, dễ hiểu và hiểu sâu nội dung bài học. Đặc biệt các em sẽ có những chuyển biến rõ rệt trong khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn.
Chúng ta cần tích cực dạy học theo hướng tích hợp – liên môn nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Từ đó khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức của các môn học khác nhau để giải quyết các tình huống thực tiễn, tăng cường khả năng vận dụng tổng hợp, khả năng tự học, tự nghiên cứu. Đó là tính ứng dụng và thực tế của phương pháp dạy học tích hợp – liên môn.
Nguyễn Tấn Khiêm
(Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp –
hướng nghiệp Hóc Môn, TP.HCM)
Bình luận (0)