Lãnh đạo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) nhấn mạnh nếu cơ quan này không nhận được sự hỗ trợ cần thiết, thế giới chắc chắn sẽ chứng kiến thêm xung đột, bất ổn và nạn đói
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ hôm 14-9, bà Cindy McCain, Giám đốc điều hành WFP, cho biết do thiếu tiền, cơ quan này buộc phải cắt giảm khẩu phần ăn dành cho hàng triệu người và con số này có thể không dừng lại ở đó.
Theo bà McCain, một loạt cuộc khủng hoảng xảy ra cùng lúc và kéo dài tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nhân đạo toàn cầu trong lúc ngân quỹ của WFP ngày một giảm. Các quan chức WFP cho biết tình trạng thiếu kinh phí tới hơn 60% trong năm 2023 là cao nhất trong lịch sử 60 năm của cơ quan này.
Trước đó, WFP hôm 12-9 cho biết do nguồn tài trợ sụt giảm, cơ quan này phải tiếp tục giảm quy mô hoạt động, đe đọa khiến thêm 24 triệu người rơi vào tình trạng đói khẩn cấp trong 12 tháng tới, tăng 50% so với mức hiện tại.
Trước mắt, theo trang UN News, chuyện thiếu tiền đã buộc WFP thu hẹp quy mô hoạt động tại phần lớn quốc gia đang có mặt, nổi bật là những điểm nóng như Afghanistan, Bangladesh, CHDC Congo, Haiti, Syria, Somalia, Nam Sudan… Chẳng hạn như tại Afghanistan, khoảng 10 triệu người không còn được nhận sự hỗ trợ của WFP từ đầu năm đến giờ.
Ông Baba Karim (bìa trái) và con trai tại nhà ở thủ đô Kabul – Afghanistan hôm 3-9. Ảnh: Reuters
Do cắt giảm hoạt động, WFP sẽ chỉ hỗ trợ cho 3 triệu người mỗi tháng từ tháng 10. Là một trong những người được WFP giúp đỡ, theo Reuters, ông Baba Karim (45 tuổi, sống tại thủ đô Kabul – Afghanistan) không khỏi lo lắng về cuộc sống sắp tới sau khi khoản hỗ trợ này không còn nữa.
Bên cạnh đó, bà McCain nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối tác công tư trong hoạt động nhân đạo của LHQ. Theo bà, giờ là lúc cần đến sự giúp đỡ của các lãnh đạo doanh nghiệp để đưa ra giải pháp thông minh cho các nguyên nhân gốc rễ của đói nghèo, từ đó giảm nhu cầu cứu trợ nhân đạo về lâu dài.
WFP hiện hoạt động tại 79 nước và cơ quan này ước tính hơn 345 triệu người đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2023. Con số này tăng đáng kể so với gần 200 triệu người vào đầu năm 2021 (thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát). WFP đã chỉ ra một số nguyên nhân của sự gia tăng này, gồm tác động kinh tế của đại dịch và xung đột, khí hậu cực đoan, giá phân bón và thực phẩm tăng…
Nỗi lo về nguồn cung lương thực ở châu Á Theo bản dự báo công bố hôm 15-9 của Ngân hàng HSBC (Anh), giá gạo đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan – được xem là giá tham chiếu toàn cầu – đã nhảy vọt lên hơn 600 USD/tấn, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Frederic Neumann, chuyên gia hàng đầu của HSBC, đánh giá đây là vấn đề đáng lo ngại bởi không giống cà chua hay hành tây – là loại cây trồng ngắn ngày nên dù giá có tăng đột biến thì cũng nhanh chóng trở về bình thường – giá gạo có thể ghim ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Tình hình mưa lũ và hạn hán thất thường ở nhiều nơi trên thế giới khiến mùa màng thất bát, ảnh hưởng nguồn cung và đẩy giá lên cao. Việc Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hạn chế xuất khẩu nhiều loại gạo để ổn định giá trong nước cũng khiến nguồn cung thêm khó khăn. "Ký ức về đợt tăng giá thực phẩm ở châu Á năm 2008 vẫn hằn sâu. Khi đó, giá gạo ở một số nền kinh tế tăng mạnh và nhanh chóng tác động tới các thị trường tiêu thụ. Chính phủ nhiều nước trong khu vực vội vàng tìm cách bảo đảm nguồn cung, khiến không chỉ giá gạo mà cả các loại ngũ cốc thiết yếu khác như lúa mì cũng tăng theo" – bản dự báo viết, kèm theo thông tin lượng gạo nhập khẩu toàn cầu xét về mặt thị phần tiêu thụ đã tăng gần gấp đôi trong 25 năm qua. "Điều này có nghĩa là sự đứt gãy ở bất cứ nền kinh tế nào bây giờ cũng gây hiệu ứng lây lan lớn hơn nhiều so với quá khứ" – ông Neumann cảnh báo. Malaysia và Philippines là 2 nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều nhất vào gạo nhập khẩu, tiếp theo là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc); những nền kinh tế dễ ảnh hưởng khác phải kể tới Indonesia, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore. Hải Ngọc |
Theo Hoàng Phương/NLĐO
Bình luận (0)