Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế trong đấu thầu và mua thuốc, vật tư

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 24-11-2023, tại TP. Cần Thơ, hơn 700 đại biểu đến từ 160 bệnh viện (BV) trong cả nước, đã tham dự Hội nghị (HN) thường niên lần XXI Câu lạc bộ (CLB) Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam năm 2023. Tại HN, các đại biểu đã chia sẻ nhiều giải pháp để khắc phục những khó khăn, hạn chế của ngành y tế.


Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại HN

Đến dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Y Tế cùng  đại diện các bộ, ngành TW.

Phát biểu khai mạc HN, TS-BS CKII Nguyễn Tri Thức – Giám đốc  BV Chợ Rẫy, Chủ nhiệm CLB Giám đốc các BV khu vực phía Nam, cho biết: Là diễn đàn dành cho các nhà quản lý BV nhằm cập nhật  thông tin, kinh nghiệm, đặc biệt là những chủ trương chính sách của ngành y tế, HN thường niên lần XXI năm 2023 sẽ tập trung vào các chủ đề ngành y tế cả nước quan tâm, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển ngành y tế, các chính sách của Bộ Y tế đã và đang triển khai. Bên cạnh đó là các báo cáo chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình quản lý hiệu quả của các đơn vị, nhằm nhân rộng đến tất cả các đơn vị thành viên trong CLB và các BV trong cả nước.


Các đồng chí lãnh đạo tham dự HN

Phát biểu tại HN, Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá rất cao việc tổ chức HN thường niên của CLB  để thảo luận,  giải quyết những vấn đề nóng trong thực tiễn cuộc sống. Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn của hệ thống y tế Việt Nam, gồm: Vướng mắc trong  tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế. Đẩy  mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giảm các thủ tục hành chính gây phiền hà cho người bệnh. Thực hiện tốt mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm tại các BV; nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y tế; đặc biệt là nâng cao năng lực quản lý, điều hành tại các BV: “Còn rất nhiều khó khăn, thách thức với ngành y tế, mong mỏi của người dân về ngành thì rất nhiều, trong đó có tình trạng người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận y tế; phải  có biện pháp cải thiện điều này…Ngành y tế đang phân loại để đưa ra những giải pháp cụ thể để tháo gỡ. Đồng thời phải có sự nỗ lực từ trên xuống để tìm cách huy động nguồn lực tốt nhất phục vụ nhân dân. Các BV cần đề xuất, nêu giải pháp cụ thể để có cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa cho hệ thống y tế. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, rất cần những chia sẻ về kinh nghiệm của các BV đã có cách làm hay, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân", Bộ trưởng Bộ Y tế kỳ vọng.


Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường đặt nhiều kỳ vọng vào HN

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, TP. Cần Thơ có 27 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có uy tín, là tuyến cuối của vùng ĐBSCL. Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhóm bệnh không lây nhiễm ngày càng  tăng, ngân sách nhà nước dành cho y tế ngày càng thu hẹp, nhu cầu, nguyện vọng của người dân về chăm sóc sức khỏe ngày càng cao… đang là những thách thức đối với ngành y tế, đòi hỏi mỗi nhà quản lý BV cần phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đổi mới tư duy: “HN nhằm nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tạo cơ hội hợp tác giữa các BV. Tôi mong Giám đốc các BV Khu vực phía Nam  tăng cường hợp tác toàn diện về mọi mặt,  hỗ trợ nhau để bắt kịp xu thế phát triển y học của thế giới và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân trong Khu vực phía Nam nói riêng và Nhân dân của cả nước nói chung” – ông Trường bày tỏ.


ThS.Hoàng Cương – Trưởng phòng Chính sách đấu thầu Cục Quản lý đấu thầu – Bộ KH&ĐT, thông tin về  Luật Đấu thầu số 22

Một trong những  khó khăn nổi cộm của ngành y tế là tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại nhiều BV, do những bất cập trong qui định Đấu thầu. Tại HN, ThS.Hoàng Cương – Trưởng phòng Chính sách đấu thầu Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã công bố Luật Đấu thầu số 22, có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Luật mới này cơ bản khắc phục những bất cập của Luật đấu thầu trước đây, với những qui định sửa đổi như: Cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu; cắt giảm thời gian trong đấu thầu: Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng và coi đây là công cụ quan trọng để rút ngắn thời gian tổ chức đấu thầu và tăng cường tính công khai minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu. Sửa đổi, bổ sung quy định thời gian, trình tự, thủ tục trong hoạt động đấu thầu nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian tổ chức đấu thầu: Cắt bỏ một số thủ tục thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian… Bổ sung quy định cho phép triển khai trước một số hoạt động đấu thầu (như lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu); và  quy định cho phép mua bổ sung các hàng hóa, dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện mà không phải tổ chức đấu thầu. Chỉ quy định thời gian tối thiểu để nhà thầu, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu, làm rõ hồ sơ dự thầu, đồng thời quy định thời gian tối đa để người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải các thông tin trong đấu thầu. Việc cắt giảm thủ tục ở các khâu trung gian sẽ góp phần rút ngắn từ 17% đến 23% thời gian đấu thầu so với hiện nay. Đặc biệt, số trường hợp được chỉ định thầu tăng gấp đôi luật cũ; đồng thời luật cũng qui định cụ thể những trường hợp cấp bách được chỉ định thầu để duy trì hoạt động của BV.


TS-BS CKII Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ nhiệm CLB Giám đốc các BV khu vực phía Nam, trao quà của câu lạc bộ (100 triệu đồng) cho lãnh đạo Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.Cần Thơ

Luật bổ sung quy định về công khai thông tin, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu theo hướng yêu cầu công khai tất cả các thông tin trong đấu thầu nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan, hạn chế tình trạng gian lận, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín, hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc không đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế.  Bổ  sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có vật tư, trang thiết bị y tế.


Ban tổ chức và các vị đại biểu

Hiện  nhiều BV cho doanh nghiệp đặt máy tại BV, sau đó đấu thầu mua hóa chất hoặc tổ chức đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư và yêu cầu nhà thầu trúng thầu đặt máy tại BV để phục vụ cho việc xét nghiệm (gọi chung là “mô hình máy đặt, máy mượn”).  Mô hình này thực hiện từ nhiều năm qua, đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 để trước mắt tạo điều kiện cho các BV khắc phục tình trạng thiếu thiết bị y tế phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh (KCB). Để bảo đảm không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật, ảnh hưởng đến việc cung cấp các  dịch vụ cho người dân, đồng thời để các BV có thời gian chuyển đổi phù hợp với cơ chế giá được tính đúng, tính đủ theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Đấu thầu số 22 quy định chỉ áp dụng mô hình máy đặt, máy mượn trong thời gian không quá 05 năm kể từ ngày Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Luật Đấu thầu số 22  bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để giải quyết dứt điểm các  bất cập của mô hình máy đặt, máy mượn. Theo đó, các BV sẽ căn cứ vào khả năng, nhu cầu mua sắm của mình để lựa chọn áp dụng một trong 6 cách thức mua hóa chất, vật tư trang thiết bị y tế, trong đó có cách thức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ kỹ thuật tính theo số lượng đầu ra – là cách thức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị áp dụng và hiện đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia.

Đan Phượng

Bình luận (0)