Các em học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng xúc động trước bài học cám ơn và xin lỗi |
Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên gương mặt của các cô cậu học trò vốn ngày thường tinh nghịch. Bài học yêu thương được bắt đầu bằng sự thấu hiểu, chia sẻ đến từ lòng biết ơn và lời xin lỗi…, những điều giản dị xảy ra xung quanh cuộc sống hàng ngày của các em mà không phải ai cũng để ý…
Trường THCS Lý Tự Trọng là điểm dừng chân 30/32 điểm trường của Chương trình truyền thông giáo dục lối sống, ngăn ngừa học sinh bỏ học, vi phạm pháp luật, phòng chống ma túy, tội phạm và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật… do ngành GD-ĐT Đà Nẵng phối hợp với Công an Đà Nẵng tổ chức trong năm học 2015-2016.
Hãy biết lắng nghe và chia sẻ
Đứng giữa sân trường, xung quanh là các em học sinh, thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương (Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên Sở GD-ĐT Đà Nẵng) bắt đầu buổi nói chuyện bằng cụm từ “Hãy biết lắng nghe!”. Sau đó thầy hỏi học sinh: “Trong số các em ở đây, ai hiểu sự biết lắng nghe là như thế nào?”, không đợi các em lên tiếng, thầy diễn giải luôn: “Lắng nghe là phải biết nghe có chọn lọc. Tuy nhiên ngần ấy thôi chưa đủ, khi mình nghe được điều hay lẽ phải rồi thì phải biết truyền cho mọi người xung quanh, cho bạn bè cùng hiểu và sống tốt hơn!”. Không khí trở nên hào hứng hơn khi thầy Vương nói về chủ đề điện thoại và mạng xã hội. Những cánh tay rụt rè ban đầu dần trở nên mạnh dạn hơn. Thầy chia sẻ: “Ở lứa tuổi học trò, mỗi ngày phải dành 8 giờ cho giấc ngủ để đảm bảo sức khỏe, 4 giờ dành cho ăn uống sinh hoạt, chuyện trò với người thân, thời gian còn lại các em nên dành cho học tập. Nếu có dành ra một khoảng thời gian nào đó để online các trang mạng xã hội, như facebook thì cách an toàn nhất, các em hãy loại trừ những người bạn không phải là bạn thật sự của mình ngoài đời. Việc dùng facebook cũng chỉ nên liên hệ bạn bè để trao đổi thông tin học tập. Phải nhận thức được những thông tin mình chia sẻ để nhận ra cái đúng, cái sai”. Em Phương Uyên (học sinh lớp 8) bày tỏ: “Lâu nay chúng em cũng hay lên các trang mạng xã hội, dùng điện thoại…, nhưng hôm nay nghe thầy giảng giải em mới hiểu được hậu quả nghiêm trọng khi sử dụng những thứ đó mà thiếu nhận thức đúng về nó. Từ nay em sẽ ý thức hơn trong các hành động của mình khi tham gia các trang mạng xã hội”.
Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương cho biết, năm học này Sở GD-ĐT đã phối hợp với Công an TP tổ chức truyền thông cho học sinh THCS và THPT. Qua đó giúp các em có cách nhìn, thẩm thấu những vấn đề đang được giới trẻ quan tâm hiện nay. Cùng với việc học chữ, học sinh cần được tiếp cận với bài học về giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tinh thần tương thân tương ái… để hình thành các giá trị sống cho các em. |
Những chủ đề về sự bắt chước thần tượng, hút thuốc trong môi trường học đường cũng được thầy Vương lần lượt nhắc đến với các câu hỏi nhằm hướng học sinh đến cách nhìn nhận đúng đắn nhất, tránh xa điều xấu, chăm ngoan hơn trong học tập.
Đừng để lời xin lỗi… ngủ quên
“Trong tất cả các em ngồi đây, ai là người yêu thương cha mẹ mình nhất? Các em có bao giờ nói lời cám ơn và xin lỗi người đã cho mình cả cuộc đời không?”. Mặc dù được yêu cầu hãy nhắm mắt lại để tự tìm câu trả lời cho chính mình nhưng những cánh tay vẫn bất chợt đưa lên cao. Cuộc sống ngày càng phát triển, các gia đình bây giờ đa phần chỉ có 1 đến 2 con nên con cái trở thành trung tâm của gia đình. Và nghiễm nhiên, con cái được yêu thương chiều chuộng hơn. Bên cạnh mặt tốt, cũng có không ít trẻ vì quá được nuông chiều trở nên ích kỷ. Những câu hỏi gợi mở và những câu chuyện có thật về lòng hiếu thảo đã chạm vào trái tim của các cô cậu học trò nhỏ. “Trong mỗi chúng ta không ai không một lần phạm lỗi, nhưng quan trọng là phải biết xin lỗi và cám ơn để sửa sai, biết sống tốt hơn”, thầy Vương nói.
Những bài học nhỏ trong cuộc sống ngày thường đã góp phần giúp các em nhìn nhận được chân giá trị của cuộc sống. Thông điệp của thầy Vương đã thực sự lay động đến nhận thức của các em: “Hãy biết gom nhặt yêu thương để xây nên ngôi nhà đầy ắp yêu thương. Bên cạnh đó các em cũng đừng quên bỏ thói quen đọc sách. Bởi ngoài cha mẹ, ông bà, thầy cô thì người thầy đi đến trọn đời cùng các em đó chính là sách”. Em Minh Đức (học sinh lớp 6) trải lòng: “Được nghe thầy Vương nói chuyện, em thấy thương mẹ mình nhiều hơn. Đôi khi cũng vì ý muốn của mình mà bỏ quên những gì mẹ đã hy sinh cho em. Từ giờ em sẽ cố gắng để không làm mẹ buồn”.
Thầy Trương Ngọc Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết buổi nói chuyện của thầy Vương rất bổ ích. Qua đó giúp các em học sinh hiểu sâu hơn về đạo lý của người con với ông bà, cha mẹ, thầy cô và xã hội. Điều đặc biệt là mỗi em đều lắng tâm hồn mình lại, nhận ra mình trong đó mà bấy lâu các em chưa nhận ra. “Tôi nghĩ học sinh cần được tham gia nhiều những buổi nói chuyện như thế để giúp các em bồi bổ thêm kiến thức và có cơ hội tự nhìn lại mình để sống vị tha, biết nhường nhịn, sẻ chia để cùng tiến bộ và trở thành người có ích cho xã hội”, thầy Hồng nói.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)