Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hai câu chuyện giúp người

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi lần giúp được ai đó việc gì dù nhỏ, tôi luôn thấy mình vui sướng và hạnh phúc. Tôi nghĩ, đó là tiếng nói từ lòng nhân ái của con tim vì hạnh phúc đến với mọi người ngay chính từ những việc nhỏ nhưng nghĩa lớn.

Câu chuyện thứ nhất

Ngày đầu tiên thi tốt nghiệp THPT năm 2014, khi đi trên đường xa lộ Hà Nội, quận Thủ Đức thấy một số người đứng xung quanh một cô học trò đang nằm trên vệ cỏ bên đường, tôi liền tấp xe vào. Có người lấy giấy tờ ra xem, thì ra là học sinh đi thi tốt nghiệp THPT vừa bị ngất. Những người có mặt ở đó khuyên bảo nhau phải đưa em vào bệnh viện gấp và tìm cách giúp em trong việc thi cử. Tôi nhận nhiệm vụ tìm đến Hội đồng coi thi tại Trường THPT Thủ Đức để kịp thời báo cho hội đồng biết. Đi được một đoạn đường, tôi dừng lại gọi đường dây nóng của một tờ báo mong được giúp đỡ về thông tin của hội đồng coi thi vì tôi không biết điểm thi nằm ở đâu. Khi đến nơi, tôi đã trình bày sự việc cho hội đồng biết để tìm cách giúp đỡ em. Vừa trình bày cho hội đồng xong thì có một anh thanh niên lại hỏi sự tình. Thì ra anh ấy là cậu của cô học trò. Anh cho hay, cháu của anh đi thi rất sớm nên gia đình rất lo lắng. Anh đến cổng trường để xem có thấy cháu đi thi hay không. Anh kể cho tôi nghe tâm lý của cháu hơi căng thẳng trong mấy ngày qua. Tôi dặn dò cho anh về những gì hội đồng coi thi đã chỉ dẫn.

Qua điện thoại của gia đình, tôi được biết lực học của em đạt loại giỏi, bác sĩ xác nhận rằng cô bé không thể dự thi được, và nhà trường đã cử giáo viên đến thăm và xác nhận để đặc cách cho em không phải thi tốt nghiệp. Chiều hôm đó, một chị đồng nghiệp gọi điện, tôi kể cho chị nghe câu chuyện lúc sáng mình đã làm. Chị chúc mừng tôi vừa đã làm thêm việc tốt. Tôi rất vui vì lời chúc mừng ấy. Lần đầu tiên tôi nhận được lời chúc mừng khi mình giúp đỡ người khác.

Câu chuyện thứ hai

Một lần khác, ngày thứ hai là người hướng dẫn chào cờ nên tôi đến trường sớm hơn những ngày khác. Buổi chào cờ sáng hôm ấy, tổ hóa tổ chức câu lạc bộ hóa học. Khi vừa qua Khu công nghệ cao, quận 9, tôi thấy một nam thanh niên nằm giữa đường, gần như bất tỉnh. Tôi dừng xe tấp vào lề, cùng lúc đó có một cặp vợ chồng dừng xe lại. Tôi và người đàn ông bồng thanh niên ấy vào lề. Sau khi họ đi, tôi ở lại cho đến khi cậu ấy tỉnh rồi mới lấy số điện thoại gọi về cho gia đình.

Hỏi thăm mới biết cậu ta là sinh viên Trường ĐH Bách khoa. Bên ngoài cơ thể không bị gì đáng kể, nhưng tôi rất sợ bị ảnh hưởng tới đầu. Tôi lấy điện thoại và báo cho gia đình cậu ta biết. Sau khi lấy số điện thoại, tôi đã dẫn xe máy ngay bên cạnh cậu ấy ngồi và đem chiếc ba lô đựng laptop cho cậu ta vì sợ những kẻ gian lợi dụng cơ hội để lấy đồ của người gặp nạn. Lúc tôi chuẩn bị đi, mặc dù tôi giải thích cho cậu ta rằng: “Làm sao anh chở được. Có hai xe đây, làm sao chở được chứ. Anh phải đi gấp, không trễ giờ. Em cứ ngồi đây, ba mẹ em sẽ đến giờ. Sáng nay anh không thể vắng mặt chào cờ được”. Nhưng cậu ta cứ đòi tôi chở về. Lúc này tôi không sợ cậu ta mất tài sản nữa mà sợ cậu ta lên xe đi thì nguy hiểm vô cùng. Tôi quyết định gọi cho nhà trường xin nghỉ buổi chào cờ đầu tuần.

Sau khi chở cậu sinh viên về đến nhà, tôi quay lại trường thì giờ chào cờ cũng vừa kết thúc. Tôi trình bày cho ban giám hiệu về lí do đến trễ của mình và sau đó đem câu chuyện kể cho học trò nghe như muốn gửi tới một thông điệp về bài học làm người.

Ngoài chuyên môn tôi còn kiêm công việc của một trợ lý thanh niên nên tôi vẫn thường dạy học trò biết giúp đỡ những người gặp hoạn nạn khi mình thấy và dạy những bài học sống đẹp vào giờ chào cờ. Tôi hay đưa ra những tình huống trong cuộc sống để các em ứng xử, thông qua đó, giúp các em ý thức về bản thân mình hơn, sống đẹp hơn, văn minh hơn và nghĩa tình hơn.

Thái Hoàng
(Giáo viên Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)

Bình luận (0)