Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Gần 2.000 học sinh “đội nắng” nghe tư vấn

Tạp Chí Giáo Dục

Em Phạm Thế Hoàng (lớp 12 Trường THPT Lâm Hà) đặt câu hỏi về ngành công nghệ thực phẩm

Dù cái nắng Tây Nguyên tháng 3 nóng như đổ lửa nhưng gần 2.000 học sinh nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn đến tham dự chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ 2016 “Tiếp bước trường thi” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại hai trường THPT Lâm Hà và THPT Di Linh ngày 18 và 19-3.

Hiện đang trong giai đoạn đăng ký môn thi THPT quốc gia 2016, do đó mối quan tâm của các học sinh Lâm Đồng dồn nhiều vào vấn đề này. Em Châu Văn Duy (lớp 12 Trường THPT Lâm Hà) đặt câu hỏi: “Mỗi ngành trong một trường ĐH, CĐ được xét tuyển bằng nhiều tổ hợp môn thi. Em có nên đăng ký nhiều môn thi để có thêm nhiều tổ hợp môn, lỡ không đậu tổ hợp này thì xét tổ hợp khác?”. ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho rằng khi xét tuyển, phần lớn các trường xác định điểm tuyển theo ngành. Một ngành có nhiều tổ hợp môn xét tuyển thì điểm trúng tuyển ở các tổ hợp đều như nhau. Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên chọn những tổ hợp môn có điểm cao nhất. Theo ông Sơn, khi có nhiều tổ hợp môn, cơ hội xét tuyển của thí sinh rộng mở hơn. Tuy nhiên, các em nên cân nhắc chọn số lượng môn phù hợp năng lực của bản thân, tránh “ôm” quá nhiều, gây khó cho việc tập trung ôn luyện. Em Phạm Thế Hoàng (lớp 12 Trường THPT Lâm Hà) băn khoăn về việc có nhiều trường cùng đào tạo ngành công nghệ thực phẩm khiến em loay hoay chưa biết chọn trường nào. Bên cạnh đó, trong quá trình học, em có phải tự bỏ thêm kinh phí mua vật liệu thực hành, thí nghiệm? Theo ông Sơn, hiện có nhiều trường ĐH, CĐ đa ngành cùng đào tạo ngành công nghệ thực phẩm, mức điểm đầu vào các trường có chênh lệch nhau. Thí sinh có thể xem xét khả năng của mình phù hợp với tốp trường nào để đăng ký. “Sinh viên ngành công nghệ thực phẩm khi thí nghiệm, thực hành, hóa chất phục vụ cho thí nghiệm đã được tính chung trong học phí…”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, em Bùi Thị Tuyết Nhi (lớp 12 Trường THPT Di Linh) thắc mắc: “Em muốn thi ngành âm nhạc nhưng không rành về nhạc do chưa được học bài bản trước. Em chỉ tự tin với khả năng ca hát vì thường được bạn bè, người thân khen hát hay. Em có nên đăng ký thi vào ngành âm nhạc không?”. Một thành viên Ban tư vấn cho biết, Nhạc viện TP.HCM là một trong những địa chỉ mà người học có thể tham khảo khi có nhu cầu đăng ký theo đuổi lĩnh vực này. Để theo học, thí sinh phải thi năng khiếu và xét điểm môn văn hóa, cụ thể là môn văn. Muốn xác định thực lực của mình có phù hợp hay không, các em có thể tham khảo chi tiết đề thi mẫu các năm trước, tham khảo nội dung yêu cầu cụ thể mà đơn vị đào tạo đăng tải trên trang web để định hướng việc học. Đại diện đơn vị ĐH ngoài công lập có đào tạo ngành thanh nhạc và piano, ThS. Đinh Công Viễn Phương (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến) thông tin thêm, đối với khối ngành nghệ thuật, thí sinh nên đầu tư vào lĩnh vực năng khiếu nổi trội nhất của bản thân, dễ đạt kết quả thi cao. Nếu có thế mạnh ca hát, thí sinh nên chọn ngành thanh nhạc để phát huy thế mạnh của mình.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Bình luận (0)