Thời gian gần đây, một số giáo viên tỏ ra không bằng lòng vì phải gánh thêm một trách nhiệm là “cảnh sát”. Tại sao có chuyện như vậy? Tại vì thực tế hiện nay học sinh vi phạm Luật Giao thông rất nhiều và đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm gây lo lắng và bất an cho xã hội.
Thật ra nhà trường có một công cụ sắc bén, có hiệu quả răn đe cho việc hạn chế tai nạn giao thông qua việc tuyên truyền trên lớp và xử lý bằng việc hạ hạnh kiểm học sinh khi nhận được thông tin có cơ sở từ các cơ quan chức năng cung cấp. Theo tôi, ngần ấy cũng đã đủ và vừa sức đồng thời phù hợp với chức năng của ngành giáo dục trong việc góp phần cùng với xã hội hạn chế một phần nào đó những vụ tai nạn giao thông do học sinh gây ra. Nhưng trong thực tế có nhiều nơi chính quyền hoặc lãnh đạo của ngành “ép” các cơ sở giáo dục làm những việc ngoài phạm vi quản lý và chức trách của họ. Thực tế đã có nhiều cơ sở giáo dục phân công giáo viên đi “bắt bớ” học sinh vi phạm giao thông. Một số giáo viên được phân công đến các nơi học sinh gửi xe ngoài trường “rình rập” để “ bắt bớ” các em và không ít lần đã bị các nơi giữ xe gây khó khăn, điều qua, tiếng lại làm mất thanh danh của nhà giáo. Thậm chí có giáo viên bị đe dọa, chửi mắng, xúc phạm mà vẫn cắn răng chịu đựng để “hoàn thành nhiệm vụ”.
Thiết nghĩ, chính quyền, lãnh đạo ngành hãy để cho giáo viên làm đúng chức năng mà họ đã được đào tạo là giáo dục vì việc phạt học sinh vi phạm giao thông ngoài nhà trường là của cảnh sát giao thông. Về phía nhà trường cần hiểu chức năng của mình là giáo dục, kỷ luật học sinh về mặt đạo đức, hạnh kiểm về hành vi vi phạm an toàn giao thông, tức là giải quyết vấn đề thuộc ý thức và hậu quả của nó với mục đích cuối cùng là an toàn tính mạng cho con người. Hiểu được như thế sẽ không còn phải nghe những câu nói như: Tay giáo viên dài thật…
Nguyễn Học
Bình luận (0)