Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thí điểm tự chủ ĐH: Các trường vẫn chưa thực sự tự chủ

Tạp Chí Giáo Dục

Đoàn công tác của Thành ủy TP.HCM thăm ký túc xá sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) – một trong 13 trường ĐH đang thực hiện tự chủ theo NQ 77

Cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện NQ 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm tự chủ ĐH. Tại đây, các trường cho rằng, chưa thật sự được tự chủ. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo phải trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường…

Đừng “ngó lơ” giảng viên thỉnh giảng

Có thể nói, khó khăn lớn nhất của các trường ĐH đang thí điểm thực hiện tự chủ hiện nay khi thực hiện tự chủ đó là vấn đề nhân lực. Đại diện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) đề xuất: Các trường ĐH tự chủ được tự quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo khi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các trường hiện nay còn gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đối với các ngành, chuyên ngành mới. 

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, các trường ĐH đang thực hiện thí điểm tự chủ có 13 đề xuất, kiến nghị với Chính phủ cũng như Bộ GD-ĐT và các bộ liên quan xung quanh việc thực hiện NQ 77. Theo đó, Bộ GD-ĐT đã giải đáp những thắc mắc này. Về cơ bản thì những vướng mắc này đã được giải quyết.

Cùng vấn đề này, đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đề xuất: Bộ GD-ĐT nên xem xét, nghiên cứu áp dụng tỷ lệ nhất định đối với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng/sinh viên để làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Bởi trên thực tế đội ngũ này đóng góp nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giảng dạy.

Tuy nhiên, câu chuyện của tự chủ liên quan đến vấn đề nhân lực lại xuất phát từ vấn đề bổ nhiệm người đứng đầu trong trường ĐH.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hiện nay, việc bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường ĐH vẫn là công việc của các bộ chủ quản. Trong khi đó, lẽ ra việc này phải là của hội đồng trường. “Hội đồng trường phải là nơi có quyền lực tối cao nhất trong một trường ĐH. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường ĐH của Việt Nam vẫn chưa có hội đồng trường hoặc nếu có thì vai trò của hội đồng trường cũng rất mờ nhạt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề tài chính, đại diện Trường ĐH Mở TP.HCM cho rằng, cần có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn thu từ tiền lãi ngân hàng được sử dụng để lập quỹ hỗ trợ sinh viên.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện tự chủ vẫn nộp thuế theo đúng luật, khoản tiền đó sẽ được Nhà nước cấp bù lại cho trường. Phó Thủ tướng cho rằng: Đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, Bộ Tài chính cần có văn bản cụ thể về việc miễn thuế đối với khoản lãi này.

Về vấn đề chất lượng đào tạo, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đề xuất: Thay vì quản lý chỉ tiêu đầu vào như hiện nay, Bộ GD-ĐT nên quản lý chỉ tiêu đầu ra. 

Tự chủ đi liền với giải trình

Thực hiện NQ 77, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho 13 trường ĐH công lập trực thuộc các bộ, ngành Trung ương được thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Bao gồm: ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Tài chính – Marketing (TP.HCM), ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Điện lực, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đang xem xét phê duyệt Đề án thí điểm cho 3 trường ĐH nữa là Học viện Tài chính, ĐH Thương mại (Hà Nội) và ĐH Trà Vinh.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo các trường ĐH, các bộ ngành cởi mở, thẳng thắn trao đổi, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm tự chủ ĐH trong một năm vừa qua. “Trao quyền cho các trường nhưng đi kèm với đó là cơ chế giải trình trước xã hội. Kiểm định chất lượng chính là một công cụ để gắn quyền lợi của các trường với trách nhiệm được giao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, ông cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT sớm ban hành tiêu chí phân tầng xếp hạng các trường ĐH. Đặc biệt, cần kiểm định 13 trường tự chủ trước. Về phía các trường phải kê khai số liệu và công khai trên mạng để toàn xã hội được biết.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng: Sau một năm thực hiện NQ 77, các trường ĐH thực hiện thí điểm phần lớn vẫn chưa dùng hết quyền tự chủ của mình. Mặt khác, cũng chưa chủ động nắm bắt về nhiều chính sách đã được sửa đổi thông thoáng hơn. Đó là lý do nhiều vướng mắc trong tự chủ về đào tạo, nghiên cứu khoa học được các trường đề cập trên thực tế cơ bản đã được tháo gỡ qua giải đáp của các bộ, ngành.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định: “Sau hội nghị này, chúng ta sẽ báo cáo với Chính phủ để đánh giá về thực hiện thí điểm tự chủ ĐH. Tự chủ sẽ phải là yêu cầu bắt buộc với tất cả các trường ĐH, do đó chúng ta phải làm rõ hết những điểm còn vướng mắc để tháo gỡ. Trong đó yếu tố con người rất quan trọng, phải có sự thúc đẩy, hợp tác từ hai phía giữa các trường và Bộ GD-ĐT.

Nghiêm Huê 

Bình luận (0)