Hàng loạt cán bộ, giảng viên, nhân viên (CB,GV,NV) Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM bị chấm dứt hợp đồng lao động trong một thông tin gần đây cho biết. Đó là sự kiện gây xôn xao trong “làng” giáo dục (GD), vì việc cho GV nghỉ hàng loạt là chuyện xưa nay hiếm.
Theo truyền thông, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới vụ việc này là do 3 năm liền trường bị cấm tuyển sinh, dẫn đến không có nguồn thu, GV,NV không có việc làm. Hoạt động thu chi của nhà trường bị âm. Còn nguyên nhân sâu xa cũng là nguyên nhân chính là do nội bộ lãnh đạo mâu thuẫn kéo dài.
TS. Nguyễn Nhã, thành viên Hội đồng sáng lập Trường ĐH Hùng Vương, cho rằng mâu thuẫn nội bộ xuất hiện từ khi nhà trường thực hiện chủ trương cổ phần hóa, hoạt động như một công ty. Nó rất khác với mô hình hoạt động lúc đầu của các nhà sáng lập là chủ trương bất vụ lợi.
Mô hình ĐH tư bất vụ lợi được phát triển khá rộng rãi ở nhiều nước có nền GD tiên tiến. Trường hoạt động dựa vào ba nguồn thu chủ yếu là học phí, đóng góp của xã hội (chủ yếu là tài trợ của các tập đoàn lớn) và hỗ trợ của Nhà nước. Hàng năm, tài sản phát sinh không chia cho các thành viên lãnh đạo mà tiếp tục đầu tư phát triển trường.
Tuy nhiên, ngày nay xu hướng thương mại hóa GD đang ngày càng phát triển. Cần phải hiểu thương mại hóa không có nghĩa coi nhẹ chất lượng đào tạo, mà ngược lại mới có thể cạnh tranh. Ở nhiều nước có nền GD phát triển, lĩnh vực GD đã đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Không chỉ mang lại hiệu quả về tài chính, các trường này còn góp phần truyền bá văn hóa, hình ảnh đất nước ra thế giới thông qua nguồn du học sinh đến đất nước họ học tập.
Như vậy cả hai mô hình đều hướng tới nâng cao uy tín, chất lượng cho nhà trường, thế thì tại sao xảy ra mâu thuẫn trong hàng ngũ lãnh đạo Trường ĐH Hùng Vương? Theo một thành viên trong Hội đồng sáng lập trường, trong quá trình nhà trường tiến hành cổ phần hóa, một số nhà đầu tư mới xuất hiện. Tiếc rằng, thay vì hợp tác để xây dựng, phát triển nhà trường, trong các nhà đầu tư cũ và mới bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn từ những việc nằm ngoài hoạt động GD. Đó là việc tranh giành ảnh hưởng, quyền lực. Mâu thuẫn nội bộ kéo dài không chỉ làm cho uy tín của trường bị sứt mẻ mà còn ảnh hưởng nhiều đến công tác đào tạo. Nhận thấy việc này gây thiệt thòi quyền lợi sinh viên, sau nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở Bộ GD-ĐT quyết định buộc nhà trường ngưng tuyển sinh từ năm 2012 để khắc phục mâu thuẫn.
Với việc 3 năm liên tục Trường ĐH Hùng Vương không có sinh viên mới và mới đây việc ngưng hợp đồng hàng loạt GV,NV thì nguy cơ giải thể ngôi trường này là khó tránh khỏi! Đây là điều chẳng ai mong muốn, nhất là giới lãnh đạo TP.HCM vì dù sao đây cũng là một trong số những trường ĐH ngoài công lập đầu tiên của TP ra đời mang theo bao tình cảm, kỳ vọng của TP.
Trong những ngày đầu thành lập, Trường ĐH Hùng Vương đã quy tụ chung quanh những nhà giáo tận tâm, yêu nghề như GS. Ngô Gia Hy, GS. Nguyễn Chung Tú, PGS. Trương Công Cán, TS. Nguyễn Nhã… Ngày khai giảng khóa đầu tiên năm 1995, GS. Hy tuyên bố tôn chỉ của trường là Khoa học – Phát triển – Đạo đức. Trường hoạt động với phương châm: Lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu hàng đầu, không chạy theo số lượng; bất vụ lợi cá nhân.
Đến cuối những năm 2010, uy tín Trường ĐH Hùng Vương lên cao trong các trường ĐH ngoài công lập. Công sức của những nhà giáo đi trước xây dựng nên thương hiệu của trường nay trở thành tài sản vô giá, là sự ước ao của nhiều trường khác. Bởi vậy việc xóa đi khối giá trị ấy không phải là cách làm được ủng hộ.
Mới đây, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ có văn bản gửi UBND TP.HCM và Bộ GD-ĐT đề nghị hỗ trợ ĐH Hùng Vương tháo gỡ khó khăn để tồn tại và phát triển. Có lẽ đã đến lúc lãnh đạo TP.HCM, Bộ GD-ĐT cùng ngồi lại với nhà trường để tìm một hướng đi mới.
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)