Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tranh cãi gay gắt về chấm thi

Tạp Chí Giáo Dục

Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu tại buổi làm việc của Bộ GD-ĐT với các trường ĐH khu vực phía Nam tham gia chủ trì cụm thi THPT quốc gia năm nay

Nhiều trường ĐH ở khu vực phía Nam lo lắng và đề xuất nhiều phương án nhằm đảm bảo chất lượng, công bằng cho khâu chấm thi…

Ngày 21-3, Bộ GD-ĐT tổ chức buổi làm việc với các trường ĐH khu vực phía Nam tham gia chủ trì cụm thi THPT quốc gia năm nay. Tại đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh, việc chấm thi cần có sự phối hợp tốt giữa trường ĐH và trường phổ thông, không nên giao hẳn về trường ĐH, tránh gây nên những căng thẳng không cần thiết.

Cả nước có 70 cụm thi

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm nay cả nước có 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Như vậy, tất cả các tỉnh/thành trong cả nước đều có cụm thi, trong khi đó số lượng thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay giảm đi, có nhiều nơi giảm 20-30%.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, ngày 20-5, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, điều chỉnh cơ sở dữ liệu tuyển sinh sau đó chuyển về các cụm thi. Kinh phí tổ chức thi năm nay đến từ 2 nguồn: mỗi thí sinh đóng góp 35 ngàn đồng/môn. Nhà nước hỗ trợ thêm 25 ngàn đồng/thí sinh/môn. Ngoài ra, ngân sách cũng chi trả cho các trường trong khâu dịch chuyển cán bộ đến địa điểm tổ chức thi…

Các trường ĐH được “chọn mặt gửi vàng” để chủ trì cụm thi đều đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức thi, có tiềm lực cán bộ tương đối dồi dào, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học cơ bản. Theo Thứ trưởng, cũng có nhiều trường ĐH xin tham gia chủ trì kỳ thi nhưng Bộ GD-ĐT xét thấy các trường này chưa đủ năng lực để đảm trách.

Các trường ĐH chủ trì cụm thi có nhiệm vụ: in sao đề thi, tổ chức coi – chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả, in giấy chứng nhận kết quả thi, bảo quản bài thi, xử lý thắc mắc khiếu nại của thí sinh… Thứ trưởng nhấn mạnh, không phải tất cả điểm thi đều in sao đề thi. Thay vào đó, các ĐH có thể liên kết với nơi in sao đề thi vì đây là công việc rất phức tạp, tốn kém thời gian và lực lượng. Chẳng hạn các tỉnh Tây Nguyên hoặc vùng lân cận có thể liên kết in sao đề thi với đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm như ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Quy Nhơn… “Năm nay tôi đã yêu cầu Cục Khảo thí giao đề thi sớm hơn để các cụm có thể in sao trước, những nơi xa có thể nhận bài thi về để bảo quản”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Về công tác coi thi, yêu cầu ít nhất phải 50% cán bộ là của đơn vị ĐH chủ trì, mỗi phòng thi phải có 1 cán bộ của trường chủ trì. Bên cạnh đó, sử dụng thêm lực lượng tại chỗ do sở GD-ĐT và trường ĐH địa phương đề cử. Nếu đơn vị chủ trì cử được nhiều hơn số lượng này thì càng tốt.

Lo địa phương chấm “nương tay”

Cũng như năm ngoái, công tác chấm thi năm nay khiến các trường ĐH hết sức băn khoăn và tranh cãi gay gắt. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nêu khó khăn, những trường ĐH kỹ thuật đa số các môn toán – lý – hóa là chính. Tuy nhiên, môn văn là bắt buộc, tất cả thí sinh đều thi nên số lượng bài rất lớn, trường lo nhất khâu chấm môn này, nhất là trong trường hợp không chấm kịp phải tăng tốc dễ nảy sinh… chấm ẩu. Ông Đỗ Văn Dũng đề nghị không nên để giáo viên địa phương chấm thi cho chính học sinh tỉnh mình, tránh tình trạng chấm “nương tay”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định, muốn kết quả thi THPT quốc gia dùng để xét tuyển ĐH, CĐ một cách công bằng, khâu chấm thi cực kỳ quan trọng. Ông Nguyễn Kim Hồng cũng đề nghị thà chấp nhận việc tốn chi phí di chuyển giáo viên để chấm đạt chất lượng còn hơn sử dụng giáo viên địa phương chấm cho chính học sinh của mình. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, việc các sở mời giáo viên chấm thường mời những lực lượng tin tưởng, các trường nên yên tâm.

Có thể tham khảo đề thi minh họa 2015

Ngày 22-3, Bộ GD-ĐT tổ chức buổi tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi THPT quốc gia năm 2016 với sự tham dự của đại diện các sở GD-ĐT và trường ĐH phối hợp hỗ trợ cụm thi tốt nghiệp trên cả nước. Tại đây, Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi THPT quốc gia năm nay tiếp tục được đổi mới theo hướng những năm trước, các môn xã hội tiếp tục ra các câu hỏi mở yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức liên môn, hiểu biết xã hội, giảm yêu cầu học thuộc lòng hay nhớ sự kiện. Các môn tự nhiên tiếp tục ra những câu hỏi yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức để xử lý các vấn đề thực tế.

Năm nay Bộ GD-ĐT công bố rõ địa điểm nhận đơn phúc khảo của thí sinh là điểm nhận đăng ký dự thi, sở GD-ĐT tập hợp và chuyển danh sách đề nghị phúc khảo cho hội đồng thi trước 31-7, hoàn thành chấm phúc khảo và cập nhật dữ liệu lên hệ thống trước ngày 8-8…

T.Trân

Trường ĐH Tây Nguyên năm nay chủ trì cụm thi có số lượng thí sinh rất lớn, gần 20 ngàn. Đại diện trường tiếp tục đề cập, tỉnh Đắk Lắk có 2 cụm thi, một do Sở GD-ĐT chủ trì, một do trường ĐH chủ trì. Về nguyên tắc, sở cử giáo viên chấm chứ không phải trường. Khi cử, sở thường ưu tiên chọn giáo viên tốt chấm cho mình trước rồi mới đến trường ĐH. Cho nên dù có nghiêm túc tổ chức chấm 2 vòng độc lập nhưng nguy cơ xảy ra sai sót vẫn cao. Đại diện này đề nghị cần có giải pháp để tăng cường chất lượng đội ngũ chấm.

Bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, đề xuất, sau khi thi xong, toàn bộ bài thi nên được đưa về và rọc phách tại TP.HCM rồi bắt thăm ngẫu nhiên để chấm. Việc này có thể mất công hơn một chút nhưng ít bị phàn nàn. Trong khi đó cũng có ý kiến ngược lại cho rằng vận chuyển bài thi để chấm như vậy sẽ bất tiện hơn nhiều so với chấm tại địa phương kết hợp kiểm tra chặt chẽ. Trước những tranh cãi này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận: “Thú thật không thể đủ giáo viên chấm thi. Với gần 1 triệu thí sinh làm sao có đủ lực lượng chấm các môn tự luận. Nên chúng ta phải tin nhau và có cơ chế để kiểm soát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả”.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm, chấm thi cũng là khâu được nhiều trường ở Hà Nội tranh cãi. Bộ sẽ tiếp tục bàn về vấn đề này và thông tin lại các trường. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, hoạt động chấm thi cần có sự phối hợp tốt giữa trường ĐH và phổ thông, không nên giao hẳn về trường ĐH, tránh gây nên những căng thẳng không cần thiết. Thứ trưởng còn khẳng định, những trường ĐH chủ trì tùy tình hình có thể mời giáo viên các sở chấm thi, không nhất thiết phải thuộc sở GD-ĐT tỉnh đó, mà có thể thuộc sở khác. Những cán bộ chấm thi sẽ được giám đốc sở tiến cử và chịu trách nhiệm.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Bình luận (0)