Những ngày trước lễ tổng kết năm học, giáo viên chủ nhiệm ở các trường trung học bù đầu ký phiếu liên lạc, ghi nhận xét vào học bạ của học sinh, lập danh sách học sinh gửi lên cho ban giám hiệu xét khen thưởng về thành tích học tập và rèn luyện… Tất tần tật đủ thứ nhưng giáo viên chủ nhiệm vẫn không thấy mệt óc bằng việc họp phụ huynh lớp cuối năm. Họ mệt và khổ tâm vì phải làm sao trong cuộc họp tránh sự bực mình và có khi ác cảm của phụ huynh khi con họ không được khen thưởng. Công tâm mà nói, nhiều phụ huynh có lòng tự trọng, biết được sức học thực tế của con nên bằng lòng với việc con mình không được khen. Trong khi đó có phải vì sĩ diện hay vì tính háo thắng mà một số phụ huynh rất gay gắt với giáo viên khi con mình không được khen. Để ứng phó với những trường hợp này, giáo viên mới ra trường thường tìm đến những người thầy “lão luyện” trong trường để học… khen. Những câu họ học được thường là “Em học được nhưng còn thụ động”, “Em có năng lực học tốt bộ môn… cần cố gắng phát huy thêm”, “Em là học sinh có cá tính nhưng cần kiềm chế”, “Em rất có khiếu về môn thể dục và sinh hoạt cộng đồng”… Những cách khen chung chung như thế sẽ phần nào làm nhẹ nhõm tâm trạng bực bội của phụ huynh.
Tại sao giáo viên lại phải chọn cách ứng xử như thế? Theo các thầy cô, lý do là có nhiều phụ huynh thích con mình được khen – bởi họ nghe con mình được khen từ hồi còn học mẫu giáo, tiểu học quen tai, giờ không nghe con mình được khen họ rất bực bội và gây áp lực lên thầy cô với những lời khó nghe, đại loại như: “Con tôi học thêm tốn nhiều tiền mà sao học yếu vậy kìa?”, “Cô làm chủ nhiệm gì vậy, con tôi năm nào cũng là học sinh giỏi mà sao năm nay lại thế?”, “Con tôi học với cô như thế này, sang năm tôi sẽ xin chuyển lớp thôi!”…
Những tình huống như trên đã và đang xảy ra ở những buổi họp phụ huynh cuối năm và nó rất tế nhị nên nhiều thầy cô vẫn chịu đựng không dám nói ra. Họ phải tìm cách “sống chung với lũ” bằng việc học… cách khen cho dẫu tâm tư vẫn rất nặng nề và xấu hổ…
Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng)
Bình luận (0)