Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.cần thơ: Khốn đốn vì nước nhiễm mặn

Tạp Chí Giáo Dục

Đoàn công tác đi thị sát tại Trạm số 1 – cảng Cái Cui, Q.Cái Răng

Mặc dù mức độ xâm nhập mặn ở Cần Thơ không nghiêm trọng như các tỉnh lân cận. Song, những ngày qua, nước bị nhiễm mặn đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người dân.

Trước tình hình này, ngày 23-3, ông Đào Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ và lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã kiểm tra tình hình hạn và xâm nhập mặn ở P.Tân Phú (Q.Cái Răng). Đây là nơi đầu tiên của Cần Thơ bị nhiễm mặn.

Độ mặn thay đổi hàng giờ!

Đó là khẳng định của kỹ sư Nguyễn Quý Ninh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP.Cần Thơ. Ông Ninh giải thích: “Địa bàn Cần Thơ nằm ở trung tâm ĐBSCL nên việc nhiễm mặn khác các tỉnh ven biển như Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh… Trong khi những tỉnh này nước mặn duy trì thời gian dài thì ở Cần Thơ, độ mặn thay đổi hàng giờ theo thủy triều. Nước mặn vào nhanh nhưng cũng rút nhanh. Cụ thể, ngày 5-3, lúc 18 giờ độ mặn tại Trạm số 1 – cảng Cái Cui (P.Tân Phú, Q.Cái Răng) là 2,05‰, hai giờ sau tình hình đã thay đổi và độ mặn diễn biến khác nhau chỉ trong một ngày”.

Trước đó, ngày 4-3, tại Trạm số 1 – cảng Cái Cui, lần đầu tiên độ mặn vượt ngưỡng cảnh báo cấp 1. Những ngày sau đó, nước mặn đã vượt qua Trạm số 1 đến Trạm số 2 (Q.Ninh Kiều) làm tăng độ mặn tại trạm này. Tuy nhiên chưa đến mức cảnh báo 1.

Hiện nay, theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên & Môi trường (Sở Tài nguyên & Môi trường Cần Thơ), độ nhiễm mặn đo được tại 8 trạm quan trắc đã giảm xuống dưới 0,5‰ (ngưỡng nhiễm mặn cho phép), không ảnh hưởng đến sinh hoạt sản xuất của bà con.

Cam “mặn” vì người trồng thiếu thông tin

Trong những ngày độ mặn vượt ngưỡng tại cảng Cái Cui, Chi cục Phòng chống thiên tai miền Nam đã khuyến cáo những khu vực và thời điểm vẫn có nước ngọt cho người dân sử dụng tại P.Tân Phú. Tuy nhiên khuyến cáo này không đến với người dân. Và hậu quả là…

Vườn cam có diện tích 9.000m2 của anh Lưu Văn Tuấn (P.Tân Phú) bắt đầu bị vàng lá. Anh Tuấn cho biết: “Từ đầu tháng 3 đến nay (nghĩa là khi nghe tin nước mặn xâm nhập – PV), tôi không dám dẫn nước vào tưới cây, để mặc cây khô trụi. Tôi dồn hết vốn đầu tư vào đây, hơn 350 triệu đồng, nếu tưới nước mặn sẽ làm chết cây, tiêu hết tài sản. Bà con chung quanh đây cũng vậy, không ai dám cho nước vô”.

P.Tân Phú có gần 510ha diện tích vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, vì thiếu thông tin, các hộ làm vườn đều bế nước như anh Tuấn, gây thiệt hại không nhỏ cho vườn cây. Không những vậy, hàng chục con đập lớn nhỏ trên địa bàn phường cạn trơ đáy do bà con ngăn nước từ sông Hậu vào.

Khốc liệt vào tháng 4, tháng 5

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, do ảnh hưởng của El Nino nên tháng 6 mới có mưa, lượng nước mưa giảm. Đồng thời, nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông (tại Trung Quốc, Lào) chảy xuống ĐBSCL giảm nhiều. Do vậy, sông Hậu sẽ không đủ sức đẩy được nước mặn từ biển Đông tràn vào. Thời gian tới, tình hình xâm nhập mặn, hạn hán tại Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung, có thể diễn tiến khó lường, dự đoán sẽ khốc liệt vào tháng 4 và tháng 5.

Theo đó, ông Dũng chỉ đạo: Giải pháp trước mắt là phải giúp bà con nắm tình hình hạn hán và xâm nhập mặn để chủ động trong sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Hè – Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cần Thơ – cho rằng: “Cần sử dụng nhiều kênh đưa thông tin đến bà con như internet, báo đài… Theo đó phải dự báo kịp thời lịch thời vụ, độ nhiễm mặn, khi nào thì tác hại đến lúa, cây ăn trái, rau màu? Khi nào cần trữ nước ngọt?…”.

Bà Vũ Thị Cánh – Bí thư Quận ủy Cái Răng – nêu quyết tâm: “Sau buổi làm việc này chúng tôi lên kế hoạch ra quân nạo vét kênh rạch, dọn cỏ, lục bình, làm thông thoáng hệ thống kênh, rạch. Đồng thời, sẽ sử dụng hệ thống loa của đài truyền thanh đưa thông tin đến bà con”. Ngoài ra, bà Cánh cũng đề nghị TP hỗ trợ kinh phí để địa phương nâng cấp và nạo vét những đập lớn Đất Sét, 5 Uôl và Gạch ranh để mang nước tưới tiêu cho phần lớn đất sản xuất của phường.

Kết luận buổi làm việc, ông Dũng nhấn mạnh: “Cần Thơ không ngồi chờ nước mặn xâm nhập mà phải chủ động ngăn ngừa từ xa. Do vậy phải bố trí thêm trạm quan trắc trên sông Hậu theo hướng đi sâu xuống tỉnh Hậu Giang, tức là hướng nước từ biển Đông tràn vào để sớm phát hiện và có biện pháp ứng phó ngay khi mặn xâm nhập từ tỉnh bạn. Riêng Q.Cái Răng nằm giáp sông Hậu, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hỗ trợ quận xây dựng hệ thống đê bao phòng chống xâm nhập mặn và cắt lũ”.

Bài, ảnh: Đan Phượng

Bình luận (0)