LTS: Trong bài viết: “Xóa sổ nhà ổ chuột”: Có xóa nổi? đăng trên số báo 1.740 (ra ngày 23-3), Giáo dục TP.HCM đã phản ánh cuộc sống khốn khó của những mảnh đời đang neo đậu, đu bám dưới kênh trên rạch tại một số quận, huyện của TP. Chủ trương di dời những hộ dân này tới một nơi ở mới khang trang, sạch đẹp hơn đã có; và hơn ai hết, những người sống ở đây rất muốn đi. Thế nhưng hết năm này qua năm khác mọi thứ vẫn y nguyên…
Bao giờ những người dân sống trong khu “nhà ổ chuột” trên kênh Tẻ (Q.4) được di dời đến nơi ở mới khang trang, sạch đẹp? |
Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, mặc dù sở này đã đề xuất đa dạng hóa nguồn vốn để đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư và chính sách hợp lý để thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, mỗi năm TP.HCM chỉ di dời được hơn 1.000 hộ sống ven và trên kênh rạch. Theo kế hoạch, kết quả này không đạt chỉ tiêu và cũng là nguyên nhân khiến hàng ngàn hộ dân nằm trong diện giải tỏa, di dời sống trong lo âu.
Để tìm câu trả lời cho sự “tắc nghẽn” này, chúng tôi đã tìm tới ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên cán bộ Ban đền bù giải phóng mặt bằng Q.7 – Địa bàn có khá nhiều “nhà ổ chuột” bám quanh kênh Tẻ.
Ông Hùng nhớ lại: “Từ những năm 90, TP đã chỉ đạo thực hiện “xóa sổ nhà ổ chuột”, nhà tạm nhếch nhác trên kênh rạch. Chúng tôi cũng đã nhiều lần tiếp cận đến từng hộ trên địa bàn, có con số thống kê cụ thể gửi lên. Tuy nhiên, việc chậm trễ và kéo dài đến nay xuất phát từ nguyên nhân khách quan. Ở mỗi địa phương có những khó khăn riêng, nhưng nhìn chung trở ngại lớn nhất vẫn là thiếu nguồn ngân sách hỗ trợ tái định cư, đền bù giải tỏa…”.
Ở góc độ khác, nguyên nhân khiến kế hoạch di dời nhà ven kênh rạch bị chậm là do tác động của thị trường bất động sản. Ông Nguyễn Hoàng Long (chuyên gia bất động sản, tại TP.HCM) phân tích: “Không nhà đầu tư nào mặn mà với dự án tái định cư trong thời điểm bất động sản gần như đóng băng. TP.HCM cũng đã trải qua thời kỳ ảm đạm nhất và kế hoạch giải tỏa, di dời nhà ven kênh rạch lại nhằm vào thời gian này. Trên thực tế, chính các nhà đầu tư cũng đã bị ảnh hưởng do các dự án trước đó”.
Vậy làm sao để TP thực hiện được chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng: Để thực hiện có hiệu quả việc chỉnh trang và phát triển đô thị, đặc biệt là “xóa sổ” gần 19.000 căn nhà lụp xụp trên kênh rạch thì TP.HCM cần phát triển đa dạng chủng loại nhà ở, hướng đến các thành phần dân cư. Làm được điều này, bên cạnh việc hình thành các khu đô thị tái định cư như lâu nay, cần chỉnh trang phát triển khu đô thị cũ, chung cư cũ… “Với quỹ đất ven kênh rạch sau khi di dời những hộ dân sống ở đây cũng có thể sử dụng để làm dự án tái định cư, chứ không nhất thiết chuyển họ đến một nơi nào khác. Thời gian qua, tại các con kênh lớn ở quận 4, 7, 8… đã có nhiều nhà đầu tư triển khai dự án căn hộ, hứa hẹn góp phần phát triển chỉnh trang đô thị”, ông Châu cho biết thêm.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)