Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Trả lại vỉa hè cho người đi bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Người đi bộ thoải mái rảo bước dưới vỉa hè thông thoáng sau khi lan can được lắp đặt (ảnh chụp trước cổng Bệnh viện Nhiệt đới ngày 24-3)

Mới đây, UBND phường 1, quận 5, TP.HCM quyết định phối hợp với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn lắp dải phân cách giữa vỉa hè và lòng đường Võ Văn Kiệt. Mục đích nhằm xóa bỏ tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè để buôn bán hàng rong, xe máy đi ngược chiều cũng như trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ.

Người dân phấn khởi

Dải phân cách cao khoảng 1,2m, dài 500m, nằm sát mép vỉa hè đoạn đường Võ Văn Kiệt, kéo dài từ Trường Tiểu học Hàm Tử đến cuối Bệnh viện Tâm thần TP.HCM (đường Huỳnh Mẫn Đạt). Bà Phạm Thị Hoa, người dân khu vực tỏ ra phấn khởi: “Kể từ ngày có dải phân cách, vỉa hè đoạn đường này trở nên thông thoáng, gọn gàng, sạch sẽ, người đi bộ đi thoải mái, yên tâm vì an toàn. Trước khi lắp lan can, mỗi ngày vỉa hè có đến vài chục xe, gánh hàng bán nước uống, hoa quả, cháo, bún, hủ tiếu… ngự trị. Nhiều người còn dựng cả dù, xếp ghế ngồi để bán. Rồi xe ôm cũng thi nhau đậu nên vỉa hè luôn chật chội, người đi bộ lắm khi không có lối phải đi xuống cả lề đường, hết sức nguy hiểm”.

Theo bà Hoa, ngoài Bệnh viện Tâm thần còn có Bệnh viện Nhiệt đới hoạt động trên đoạn đường này và có đến 2 bãi giữ xe gắn máy mở ra. Sau khi người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân gửi xe, bắt buộc họ phải đi bộ một đoạn mới vào được bệnh viện vì thế vỉa hè lúc nào cũng có người đi lại, từ sáng đến chiều tối. Thực tế này cũng chính là điều kiện để người bán hàng rong, xe ôm mưu sinh. Và vỉa hè trở thành điểm họp chợ, không còn là lối đi riêng.

Ngoài hàng rong, xe ôm bị dẹp không thể không kể đến xe gắn máy đi ngược chiều cũng bị dẹp. Anh Q.L., thuộc Tổ trật tự đô thị phường 1, quận 5 túc trực tại đây chia sẻ, lúc trước nhiều người nhà bệnh nhân trong quá trình tìm bãi gửi xe đã không ngại đi ngược chiều, kể cả xe ôm cũng ngược chiều để lấy khách. Tình hình khá phức tạp, giao thông lộn xộn, người đi bộ thiếu an toàn. Còn hiện tại, nhờ dải phân cách được lắp đặt, trật tự giao thông đã lập lại, vỉa hè thông thoáng, người đi bộ được an toàn hơn.

Không dễ nhân rộng

Quyết định lắp dải phân cách trên đoạn đường Võ Văn Kiệt của UBND phường 1, quận 5 được xem là một giải pháp hữu hiệu trong việc xóa bỏ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường để buôn bán, đậu xe, qua đó giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Ông Tường cũng nhấn mạnh: “Ở những địa bàn phức tạp, khó dẹp bỏ nạn lấn chiếm vỉa hè thì chính quyền cũng nên tích cực vận động, tuyên truyền bà con, thậm chí mạnh tay xử phạt. Chỉ những vỉa hè nào thực sự cần thiết phải cho thuê để làm bãi giữ xe, kinh doanh thì mới nên giữ”.

Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch UBND phường 1, quận 5 thông tin, trước kia đoạn đường này vô cùng nhếch nhác, phức tạp vì buôn bán hàng rong. Phường 1 đã có không ít giải pháp, từ nhắc nhở, tuyên truyền vận động, hỗ trợ cho người bán hàng rong chuyển đổi công việc, thậm chí có cả xử phạt nhưng kết quả không đi đến đâu. Chỉ 1/2 số người cam kết thực hiện, còn lại vẫn không thực hiện hoặc tái diễn. Đây chính là lí do phường 1 quyết định bàn bạc, phối hợp với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn lắp đặt lan can.

Trước kết quả đạt được bà Yến cũng hết sức bất ngờ. Vỉa hè thông thoáng đã trả lại cho người đi bộ, cảnh nhếch nhác giảm hẳn và nhiều ý kiến phản hồi hết sức tích cực. Mặt khác, số người làm trong tổ trật tự đô thị túc trực tại đây giờ chỉ còn 3 người, so với lúc trước khoảng 10 người.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, giải pháp này rất khó nhân rộng ở những vỉa hè khác, đặc biệt vỉa hè có nhiều nhà dân sinh sống. Bởi không thể mang lan can ra rào chắn lối đi của các hộ dân, chưa kể kinh phí lắp đặt chắc chắn không nhỏ. Bà Yến thừa nhận, tùy đặc điểm từng đoạn đường mới có thể áp dụng biện pháp này. Lắp lan can chỉ phù hợp đoạn đường có bệnh viện, trường học, công ty lớn. Còn lại ở đoạn đường đông dân cư thì phải tìm những giải pháp khả thi khác. Chưa kể, sau khi lắp lan can còn phải tìm cách hỗ trợ chuyển đổi công việc cho người bán hàng rong thì mới đạt kết quả cao.

Trước việc làm đột phá của phường 1, ông Võ Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT thành phố đã có đánh giá cao về kết quả, ý nghĩa mà giải pháp mang lại. Theo ông Tường, đây là một cách làm hay vì vỉa hè đã được lấy lại. Ở những đoạn đường nào áp dụng được cách làm này thì các địa phương cũng nên xem xét làm. Nếu gặp khó khăn về kinh phí thì có thể vận động tài trợ, thực hiện xã hội hóa hoặc có thể sử dụng nguồn kinh phí duy tu hạ tầng.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Bình luận (0)