Thí sinh xem lại bài thi môn sinh tại kỳ thi THPT quốc gia ở TP.HCM năm 2015. Ảnh: M.Tâm |
Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức họp với các trường ĐH chủ trì thi THPT quốc gia năm 2016 trên địa bàn. Tại đây, đại diện nhiều trường ĐH cho rằng kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều thuận lợi hơn kỳ thi năm 2015 nhưng vẫn còn một số vấn đề phải giải quyết để đảm bảo cho thí sinh (TS) có một kỳ thi nghiêm túc, an toàn.
TS dự thi giảm
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, chưa tính TS tự do, chỉ tính TS đang học lớp 12 thì TP có hơn 55.500 TS dự thi THPT quốc gia. Theo đó, dự kiến cụm thi số 6 do Trường ĐH Bách khoa chủ trì; cụm thi số 7 do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên chủ trì; cụm thi số 8 do Trường ĐH KHXH&NV chủ trì; cụm thi số 9 do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chủ trì.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM – cho biết: HS tỉnh năm nay không đổ về TP thi nữa nên số lượng TS giảm được một nửa, năm ngoái TP.HCM có hơn 140.000 TS dự thi thì năm nay chỉ còn khoảng 70.000 TS. Với số lượng này, các trường chủ trì cụm thi sẽ giảm được nhiều chi phí và nguồn lực như địa điểm thi, cán bộ coi thi, giám khảo chấm thi giảm…
“Số lượng TS dự thi không quá áp lực nên nhà trường sẽ tận dụng cơ sở vật chất của trường và một số trường ĐH lân cận do phòng thi ở các trường ĐH khá lớn để giảm số lượng điểm thi, từ đó tập trung quản lý tốt hơn” – ông Nguyễn Ngọc Trung – Ủy viên thường trực, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ.
Đồng thời, khâu xuất giấy chứng nhận kết quả thi cho TS cũng giảm đáng kể thời gian cho các trường ĐH. Ông Trung cho biết thêm: “Năm 2015, giấy chứng nhận kết quả thi phải đóng dấu, cả trường chỉ có duy nhất một con dấu mà mỗi TS có đến 3 giấy chứng nhận. Năm nay trường chủ trì cụm thi chỉ có 14.000 TS, mỗi TS lại chỉ có 1 giấy chứng nhận kết quả thi nên chắc chắn sẽ giảm được thời lượng đóng dấu”.
Về phía tiếp sức mùa thi, năm nay không có TS tỉnh đến nhưng Sở GD-ĐT cũng đã có một số đề xuất. Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin: “Sở GD-ĐT đã đề xuất cùng với Thành đoàn ra quân tiếp sức mùa thi, đồng thời cũng đề xuất cùng các trường ĐH chủ trì cụm thi có ký túc xá cho những phụ huynh, TS ở các quận, huyện xa địa bàn sinh sống”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Nghĩa cũng chia sẻ: “ĐHQG đã chú ý đến tiếp sức mùa thi cho năm nay, dù một số trường thành viên của ĐHQG không chủ trì cụm thi nhưng sinh viên các trường này vẫn tham gia vào tiếp sức mùa thi”.
Còn với Trường ĐH Sư phạm, ông Trung cho rằng: “Kỳ thi năm 2015, trường huy động 5.000 chỗ trọ miễn phí và 500 chỗ ở trong ký túc xá cho TS nhưng năm nay không có TS tỉnh nên nhà trường sẽ tập trung hướng dẫn, cung cấp đầy đủ thông tin cho TS”.
Vẫn sợ điểm thi nhỏ
Mặc dù kỳ thi năm nay có nhiều điểm thuận lợi nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng khiến các trường chủ trì cụm thi phải hợp tác chặt chẽ với Sở GD-ĐT để có phương án giải quyết kịp thời.
Ông Lê Chí Thông – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa – cho rằng: “Chúng tôi lo ngại phòng thi ở các trường phổ thông quá nhỏ sẽ tốn kém nguồn lực cán bộ coi thi. Theo quy chế của Bộ GD-ĐT thì trường ĐH chủ trì chỉ được phép có 50% cán bộ coi thi nên chúng tôi sợ không đủ người. Năm trước, điểm thi Trường THCS Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình chỉ có 302 TS dự thi nên khâu tổ chức nguồn lực rất tốn kém. Vì thế năm nay nên kiếm các điểm trường thi từ 800 chỗ trở lên”.
Đối với giám khảo chấm thi, ông Hồ Phú Bạc – Sở GD-ĐT TP – chia sẻ: “Nếu các trường ĐH chủ trì có nhu cầu giáo viên THPT chấm thi thì Sở GD-ĐT sẽ tổ chức chấm chéo, cán bộ chấm thi không chấm bài trường mình. Còn cán bộ coi thi Sở GD-ĐT đã tập huấn rồi nhưng trường ĐH phải tập huấn lại theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT. Sau ngày thi, ngoài báo cáo cho Bộ GD-ĐT thì trường ĐH nên gửi cho Sở GD-ĐT để chúng tôi theo dõi”.
Về phía quyền lợi của những TS không dự thi được do những trường hợp đáng tiếc xảy ra, ông Trung đề xuất: “TS thi THPT quốc gia còn để xét tốt nghiệp nên một số TS vì những lý do như bệnh, tai nạn đột xuất không đi thi được những môn để xét tốt nghiệp thì cụm thi phải ghi lại để báo với Sở GD-ĐT, sở có thẩm quyền xét tốt nghiệp cho các em”.
Từ thực tế các đại biểu nêu, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP – khẳng định: “Sở GD-ĐT sẽ cố gắng bàn giao hồ sơ dự thi cho các trường ĐH chủ trì trước thời gian quy định để trường chủ động nếu có trường hợp sai sót. Đồng thời, sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các trường ĐH xuống khảo sát điểm thi để có những phòng thi thuận lợi, phù hợp với yêu cầu của từng trường ĐH. Trong quá trình thi, Sở GD-ĐT TP sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban ngành khác như công an, điện lực, phòng cháy chữa cháy… để đảm bảo cho TS có một kỳ thi nghiêm túc, an toàn”.
Dương Bình
Ôn tập thi THPT quốc gia: Nghiêm cấm luyện thi theo kiểu học tủ, học lệch Bộ GD-ĐT vừa công bố hướng dẫn ôn tập thi THPT quốc gia. Theo đó, bộ khẳng định không phát hành tài liệu ôn tập kỳ thi THPT quốc gia. Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, nội dung thi THPT quốc gia năm 2016 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị trường học không giới hạn nội dung chương trình, luyện thi theo kiểu học tủ, học lệch. Bộ GD-ĐT cũng nghiêm cấm các nhà trường tổ chức học dồn, cắt xén chương trình quy định. Trong hướng dẫn ôn tập, Bộ GD-ĐT lưu ý các trường có các giải pháp để khuyến khích, hỗ trợ HS biết cách tự học, tự ôn tập là chính; đồng thời tổ chức phân nhóm theo trình độ, theo nhu cầu ôn tập từng môn học của HS, hạn chế tổ chức ôn tập theo hình thức tập trung, đại trà. Về thời gian kết thúc năm học, nhưng vẫn trong giai đoạn ôn tập nước rút, chuẩn bị cho kỳ thi, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường chỉ được tiếp tục tổ chức ôn tập cho HS trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo có hiệu quả, tránh gây căng thẳng, quá tải cho HS. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các trường tùy theo điều kiện thực tế, cho phép các TS tự do (đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp) được tham dự ôn tập. Nghiêm Huê |
Bình luận (0)