Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ấm áp tình yêu “trường Phan”

Tạp Chí Giáo Dục

Các thầy cô giáo “trường Phan” được học sinh cũ tri ân

“Trường Phan” là tên gọi thân thương của những cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) khi nói về mái trường thân yêu mà họ đã từng một thời cắp sách. Tình yêu ấy lại có dịp bùng cháy nồng nàn trong ngày họp mặt ấm áp, nghĩa tình lần thứ 15 mới đây của Hội Cựu học sinh khu vực miền Nam tại TP.HCM.

Tháng 3 yêu thương

Hội Cựu học sinh trường Phan khu vực miền Nam từ khi thành lập vào năm 2001 đến nay, luôn chọn tháng 3 là dịp họp mặt truyền thống hàng năm. Năm nay, hội mừng sinh nhật tròn 15 tuổi. Tay bắt mặt mừng, các cựu học sinh từ niên khóa đầu tiên đến niên khóa “gần” 50 cùng nhau tề tựu ôn lại truyền thống trường xưa cùng với sự hiện diện thân thương của 28 thầy cô giáo cũ. Trong đó có những người thầy của những niên khóa đầu như thầy Nguyễn Khắc Tuệ (giáo viên dạy toán đầu tiên), thầy Lê Ngọc Hồ (giáo viên dạy tiếng Nga)…

Luật sư – nhà văn Nguyễn Thị Cúc (khóa 1981-1984) cho biết, sau thời gian du học về và làm việc tại TP.HCM, bà cùng bạn là chị Võ Thị Minh Huệ đã cùng nhau khởi xướng ý tưởng thành lập Hội Cựu học sinh Phan Bội Châu và được các thế hệ cựu học sinh nhiệt tình ủng hộ. Hiện tại hội đã có hơn 200 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Điều đáng quý là các thành viên luôn yêu thương, gắn bó trong tình thân gia đình, chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn, tạo cho nhau những cơ hội trong học tập và công tác nhằm giúp nhau cùng thăng tiến. Và thật đáng tự hào khi có rất nhiều cựu học sinh trường Phan qua nhiều thế hệ đã thành đạt, thành tài trong nhiều lĩnh vực về kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục…, nhưng vẫn hướng về trường cũ để đồng hành, để hỗ trợ nhà trường và các thế hệ “đàn em” cả về tinh thần lẫn vật chất.

Cô Nguyễn Thị Giang Chi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, (cũng là cựu học trò trường Phan) xúc động bày tỏ tại buổi gặp mặt: “Thay mặt cho cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các thầy giáo, cô giáo và các anh các chị. Các thầy cô và các anh chị đã góp những viên gạch để làm nên một trường Phan hôm nay, một thương hiệu trường Phan được Nhân dân xứ Nghệ dành trọn niềm tin yêu và Nhân dân cả nước ngưỡng mộ. 

Thạc sĩ tâm lý Võ Thị Minh Huệ (khóa 1981-1984), cũng là thành viên sáng lập hội, xúc động bày tỏ tâm tư về sự kết nối với các thế hệ kế thừa: “Hội chúng ta nay đã trưởng thành, chúng tôi muốn chuyển giao tất cả những gì đã và đang có cho các thế hệ trẻ. Tuy nhiên các bạn cứ an tâm là chúng tôi luôn đứng sau lưng hỗ trợ cho các bạn”.

Tân Chủ tịch Hội Cựu học sinh khu vực miền Nam – anh Đinh Xuân Thành (khóa 1989-1992) khẳng định: “Chúng em đại diện cho K20, là thế hệ tiếp nối giữa thế hệ đi trước và các em lớp trẻ. Là thế hệ chuyển giao nên chúng em rất muốn được chia sẻ kinh nghiệm và những ý tưởng, phương cách tổ chức để làm sao hội của chúng ta duy trì được đều đặn hàng năm và ngày càng phát triển mạnh mẽ, vững vàng hơn. Đồng thời chúng em cũng ý thức việc chia sẻ trách nhiệm trong sứ mệnh của mình đối với các thế hệ của học sinh trường Phan quê mình, ở TP.HCM và cả với các em sinh viên đang ở giảng đường đại học”.

Gắn bó từ trong gian khó

Thầy Lê Ngọc Hồ, giáo viên dạy tiếng Nga của trường từ năm 1977 khẳng định: “Tình nghĩa thầy trò chúng tôi gắn bó vì đã cùng đùm bọc nhau từ trong gian khó”. Đó là những ngày mà thầy trò cùng ăn chắt hạt ngô rang, hạt bo bo hay củ khoai lang luộc. Mỗi tháng các thầy được lãnh 13 cân lương thực (3 cân gạo, còn lại là bo bo, hoặc khoai lang, sắn, ngô), còn học sinh được 15 cân. Thương các trò nội trú như con, như cháu mình, nên các thầy cô cố “chạy” cho học sinh được thêm 3 lạng thịt và 3 lạng đường để các em thêm phần dinh dưỡng mà có sức học.

Tận mắt chứng kiến những ngày học tập trong gian khó, và dõi theo học sinh cho đến khi trưởng thành và thành đạt, thầy Hồ nói về học trò trường Phan với niềm tự hào khó tả: “Học trò trường Phan học chuyên văn làm lãnh đạo nhiều hơn, còn học tự nhiên thì làm kinh tế, kỹ thuật giỏi”. Thầy Hồ nói rằng các thế hệ học trò của trường không chỉ thành đạt, mà còn rất trọng tình nghĩa thầy trò và trường cũ. “Thấy học trò thành đạt, biết quý trọng đạo hiếu, biết yêu thương đoàn kết và hỗ trợ nhau cũng như giúp đỡ các lớp đàn em, với chúng tôi đó là niềm hạnh phúc lớn lao không gì sánh bằng”.

Bài, ảnh: Bích Vân

Bình luận (0)