Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học sinh nghiên cứu khoa học mong được hỗ trợ nhiều hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) phát biểu tại buổi đối thoại

Không còn những lời than vãn về chương trình học khô khan, nặng nề…, các ý kiến trong buổi đối thoại “Tiếng nói của học sinh thành phố Hồ Chí Minh lần 8 năm 2016” giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM với 152 học sinh tiêu biểu đến từ các trường THPT, trung tâm GDTX năm nay chủ yếu xoay quanh sân chơi nghiên cứu khoa học.

Ngay từ đầu, không khí buổi đối thoại rất thân thiện và thẳng thắn. Em Nguyễn Thị Nhi (học viên Trung tâm GDTX Q.Phú Nhuận) nhìn nhận: “Rất ít học viên GDTX tham gia sân chơi nghiên cứu khoa học (NCKH) do các trung tâm thiếu cơ sở vật chất. Vậy nếu muốn NCKH, chúng em có thể kết hợp với học sinh THPT thực hiện đề tài hay không?”. Trong khi đó, em Nguyễn Võ Minh Hiếu (học sinh Trường THPT Nhân Việt) lại tâm tư: “Dù nhà trường rất tạo điều kiện để học sinh tham gia hoạt động NCKH nhưng để hoàn thiện dự án, chúng em phải tìm đến phòng thí nghiệm của các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, chúng em lại gặp khó khăn vì phải làm giấy tờ và qua nhiều phòng ban mới nhận được sự hỗ trợ phòng thí nghiệm, trang thiết bị. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án, tinh thần của những người tham gia. Em mong Sở GD-ĐT sẽ có văn bản đề nghị sự hỗ trợ giúp chúng em trong vấn đề này để tiến độ và chất lượng dự án được hoàn thành, đạt kết quả cao nhất”.

Tương tự, em Nguyễn Đặng Kim Cương (học sinh Trường THPT Gia Định) cũng băn khoăn: “Dù các sản phẩm NCKH của chúng em rất hữu ích và gần gũi với thực tiễn nhưng lại được rất ít người biết đến. Em mong Sở GD-ĐT sẽ là cầu nối liên kết với các doanh nhân bằng cách mời họ đến tham dự triển lãm trưng bày sản phẩm NCKH để từ đó có thể xem xét và chọn được những sản phẩm phù hợp đưa vào sản xuất hoặc quảng bá thông tin rộng rãi hơn về các công trình của học sinh”. Ý kiến của Kim Cương lập tức nhận được sự đồng thuận của các bạn đến từ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Nguyễn Thượng Hiền… Thậm chí, nhiều em còn cho rằng, việc hạn chế số lượng các đề tài tham dự cấp quốc gia, quốc tế sẽ gây ít nhiều thiệt thòi cho học sinh TP.HCM.

Em Nguyễn Đặng Kim Cương (học sinh Trường THPT Gia Định) nêu ý kiến với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM

Trao đổi với các em học sinh, ông Lê Duy Tân (Trưởng phòng Giáo dục trung học) cho rằng việc học sinh đạt giải thưởng NCKH, được đi tham dự các cuộc thi NCKH quốc tế dành cho học sinh phổ thông là điều mà lãnh đạo Sở GD-ĐT luôn mong mỏi. Tuy nhiên, đó không phải là mục đích của sân chơi này. “Mục đích chính của sân chơi này là tạo được sự hứng thú, sáng tạo cho các em trong học tập và rèn luyện. NCKH có thể được làm vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và với bất cứ vật liệu gì. Không nhất thiết là phải tham gia NCKH để đi thi, các em có thể tạo ra bất cứ sản phẩm nào từ ý tưởng, sáng kiến của mình. Học viên GDTX có thể kết nối với câu lạc bộ khoa học tại các trường THPT để cùng tham gia sân chơi này. Sắp tới, trên website của Phòng Giáo dục trung học sẽ mở một thư mục đăng tải thông tin về các đề tài NCKH để học sinh tiếp cận và nhận sự hỗ trợ từ chuyên viên các phòng ban”.

Ông Trương Văn Hùng (Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH) cũng đánh giá: “Không phải chỉ các trường ĐH lớn mới có đủ cơ sở vật chất hỗ trợ các em mà nhiều trường CĐ, TCCN hiện nay cũng đã có đầy đủ hệ thống nhà xưởng, phòng thí nghiệm. Nếu gặp khó khăn khi NCKH, các em cứ liên hệ với sở, từ đó sở sẽ liên hệ với các trường để hỗ trợ các em”.

Trong khi đó, ông Đoàn Kim Thành (đại diện Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ thuộc Thành đoàn TP.HCM) cho hay: “Đối với các sản phẩm NCKH mang tính ứng dụng vào thực tiễn, các em có thể liên hệ trực tiếp tới trung tâm, chúng tôi sẽ cử người xuống thẩm định và đánh giá đề tài. Nếu hay và mang tính ứng dụng cao, trung tâm sẽ tổ chức các buổi ghi hình để sản phẩm của các em được phát sóng trong chương trình Sáng tạo trẻ trên Đài Truyền hình TP vào tối thứ hai hàng tuần”.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định: “Sở GD-ĐT sẽ nghiên cứu việc tổ chức ngày hội để trưng bày các sản phẩm NCKH của học sinh. Tại ngày hội, sở sẽ phối hợp với Thành đoàn, Sở Khoa học – Công nghệ, Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ mời các doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu để nhanh chóng đưa đề tài của các em ứng dụng vào thực tiễn. Trong ngày hội này, không chỉ những em có đề tài NCKH mà tất cả học sinh yêu thích NCKH có thể tham gia tìm hiểu, kết nối với câu lạc bộ khoa học tại các trường để cùng hỗ trợ nhau trong quá trình nghiên cứu sau này”.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Bình luận (0)