Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bao giờ thôi “sống trong sợ hãi”?

Tạp Chí Giáo Dục

Thật khó tin ở trung tâm TP.HCM tồn tại chung cư tồi tàn thảm hại như thế này. Trong ảnh: Lô B và C chung cư Cô Giang hiện còn hàng trăm hộ sinh sống

Nằm trong danh sách những chung cư chờ… sập tại TP.HCM phải kể đến chung cư Cô Giang (Q.1), cư xá Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), chung cư Ngô Gia Tự (Q.10)…

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, TP hiện có khoảng 1.300 chung cư, nhà tập thể, trong đó có khoảng 200 chung cư xây dựng từ đầu những năm 60, tập trung nhiều ở Q.1, Q.5 và Q.10.

Những chung cư chờ sập

“Ngót nghét một đời người chứ có ít đâu, các hạng mục xuống cấp thảm hại. Chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên và đã quá mệt mỏi rồi”, bà Nguyễn Thị Hoa ngụ chung cư Cô Giang nói như than.

Chúng tôi tận mắt chứng kiến những mảng vữa bê tông chực chờ đổ xuống, tường lộ ra thanh sắt gỉ sét mới cảm nhận được nỗi lo của người dân suốt thời gian dài.

Năm 2006, UBND TP.HCM có chủ trương xây dựng mới chung cư này, tạo điều kiện để người dân có chỗ ở ổn định, khang trang nhưng dự án vẫn ì ạch vì vướng công tác đền bù, giải tỏa. Từ năm 2011 đến nay, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các bên có liên quan chịu trách nhiệm tháo dỡ khẩn cấp chung cư này để phục vụ xây dựng khu căn hộ và trung tâm thương mại 30 tầng với gần 1.100 căn hộ theo chủ trương trước đó. Dự án này có khoảng 300 căn hộ dành cho tái định cư tại chỗ, tuy nhiên người dân vẫn không đồng ý. Bà Hoa là một trong số khoảng 300 hộ dân chưa chuyển đi và vẫn đang tiếp tục gửi đơn khắp nơi để cầu cứu liên quan đến giá đền bù. “Lần tiếp xúc cử tri mới đây nhất (tháng 3-2016 – PV), chúng tôi cũng đã kiến nghị Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM”, bà Hoa thông tin.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, cư xá Thanh Đa là chung cư đầu tiên tại TP.HCM, được xây dựng gần 70 năm nay. So với các chung cư xây dựng sau đó, chung cư Thanh Đa có diện tích khá lớn (80m2) và có lối kiến trúc khá chuẩn. Tuy nhiên, do sự buông lỏng quản lý, những hộ dân tự ý cơi nới, che chắn, sửa chữa đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình cũng như mỹ quan của nó. Từ đó, một số hạng mục xuống cấp nhưng không được sửa chữa dẫn đến hư hỏng nặng và người dân sống tại đây có chung nỗi lo. 

Ghi nhận của phóng viên tại các lô của chung cư Thanh Đa, số hộ chuyển đến nơi ở khác không nhiều và chỉ là hộ gia đình có điều kiện hoặc chuyển về ở tạm cùng với cha mẹ, anh em. Trong số đó có không ít hộ cho thuê rồi dắt díu nhau đến một nơi khác làm quen với cuộc sống nhà trọ. Gia đình chị Lê Thanh Uyên ngụ lô B là một ví dụ. “Cứ mỗi lần đi làm về là nền nhà lênh láng nước vì trần bị thấm đổ xuống. Chúng tôi phải dùng thau để hứng, sau đó mang đi đổ. Tôi cho thuê được 3 tháng, người ta cám cảnh quá nên đã trả nhà, giờ đóng cửa chờ… sập”.

Cũng như chị Uyên, hàng ngàn con người đã di dời hoặc còn bám trụ tại các chung cư cũ nát cũng đã trải qua những năm tháng “sống trong sợ hãi” mà chưa biết đến khi nào mới có chỗ an cư.

Đừng để chủ trương cứ mãi nằm trên giấy

Trước thực trạng nhà chung cư xuống cấp, tính mạng người dân bị đe dọa, chính quyền TP đã có hướng giải quyết, tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, khó khăn gặp phải còn đến từ những nguyên nhân khách quan. Chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B (Q.Bình Tân) với hơn 2.000 căn và hơn 500 nền đất đã đưa vào sử dụng từ 4 năm nay nhưng hiện còn rất nhiều căn trống. Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Danh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – cung cấp trong buổi kiểm tra thực địa chung cư này của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Theo đó, TP bố trí 752 hộ từ 10 quận nội thành đến tái định cư tại đây nhưng rất ít người về ở. Trước thực trạng này, ông Phong cũng đã yêu cầu các sở, ngành có hướng giải quyết, tạo điều kiện để người dân được sống tốt hơn đối với người tái định cư, trong đó cần phân loại từng trường hợp cụ thể để có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Nhiều năm nay, TP đã có không ít phương án cải tạo, sửa chữa và xây mới những chung cư này nhưng vẫn còn nhiều trở ngại, lớn nhất là doanh nghiệp bất động sản không mấy mặn mà. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng chưa có cơ chế, chính sách phù hợp dành cho doanh nghiệp.

Mới đây, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã yêu cầu chính quyền Q.1 làm đề xuất cho quận thí điểm cơ chế chịu trách nhiệm trực tiếp khi làm việc với chủ đầu tư và người dân về việc xây mới chung cư. Ông Thăng cũng cho biết sẽ đề nghị UBND TP.HCM xem xét phân bổ ngân sách để cải tạo, xây mới 89 chung cư cũ và yêu cầu lãnh đạo quận phải có mục tiêu cụ thể để xây mới những chung cư này.

Cải tạo, xây dựng mới chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng cũng là nhiệm vụ trong chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị của TP.HCM giai đoạn 2015-2020.

Chủ trương, kế hoạch thì nhiều nhưng liệu có quá xa với những người gần đất xa trời như bà Hoa…

Bài, ảnh: T.Anh

Bình luận (0)