Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Sao bất công quá vậy?”

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng thứ sáu, tôi có việc ghé nhà em trai thật sớm. Đến nhà, tôi thấy đứa cháu trai đang học lớp 4 mặt bí xị, nhăn nhó không chịu đi học. Tôi dò hỏi thì được biết trường của cháu tổ chức cho học sinh đi chơi ở Suối Tiên. Vợ chồng em tôi không cho cháu đi vì cháu mới vừa hết bệnh, sợ đi nắng rồi lại ngâm mình dưới nước cả ngày sẽ tái bệnh. Thấy thế, tôi khuyên cháu nên nghe lời ba mẹ, lần sau rồi đi chơi. Thật bất ngờ cháu nói: “Bác có biết không, những đứa không được ba mẹ cho đi chơi như con phải đến trường học. Sao bất công quá vậy? Các bạn được vui chơi thỏa thích còn tụi con chẳng những không được đi chơi mà phải đến trường học bình thường”. Em tôi cũng cho biết, mọi năm những học sinh nào không đi chơi thì được nghỉ ở nhà. Năm nay, không biết tại sao các cháu không đi chơi lại phải đi học. Và em tôi đặt vấn đề: “Phải chăng đây là một cách khéo léo buộc tất cả học sinh phải đăng ký đi chơi ở trường? Chứ thầy cô dạy làm sao được khi đứa học, đứa nghỉ?”.

Tham quan – học tập là hoạt động giáo dục ngoài giờ mà tất cả các trường học đều thực hiện nhưng cách thực hiện như trường của cháu tôi thì cần xem xét lại. Khi nhà trường lên kế hoạch tham quan – học tập, chắc chắn các giáo viên phải thu xếp bài dạy trong tuần để đảm bảo bài học cho tất cả học sinh. Việc cháu nào không đi chơi ở lại trường để học bằng hình thức dồn học sinh (nhiều học sinh ở các lớp dồn lại để một giáo viên dạy. Các giáo viên khác phải dẫn học sinh đi chơi), các cháu sẽ được học những gì? Chắc chắn không phải là kiến thức mới mà là các bài tập thầy cô cho thêm bên ngoài chứ không phải trong sách giáo khoa. Các cháu không được đi chơi với tâm trạng buồn bực như cháu tôi, liệu có tập trung để học? Nhất là những học sinh có gia đình khó khăn về kinh tế, ba mẹ không có tiền đóng cho con đi chơi, các cháu sẽ mặc cảm, buồn tủi hơn.

Tôi nghĩ, các trường (như trường của cháu tôi) cần xem xét lại cách thực hiện tham quan – học tập cho học sinh. Đừng để phụ huynh nghĩ sai là nhà trường “ép” học sinh đi chơi và những học sinh không đi chơi cho rằng mình đã bị đối xử bất công bởi “trẻ này thì chơi thỏa thích còn trẻ khác thì phải buồn tủi đến lớp học”.

Nhân Tâm

Bình luận (0)