Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy tốt môn mỹ thuật với chủ đề vẽ tự do

Tạp Chí Giáo Dục

Lâu nay, chúng ta hay nghe nhắc đến cụm từ đổi mới phương pháp giảng dạy, nhất là ở bậc tiểu học. Cụ thể, trong năm học hay trong kỳ nghỉ hè, giáo viên luôn được tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, được dự giờ cụ thể bộ môn nào đó, nhất là các môn: tiếng Việt, toán, lịch sử – địa lý, tự nhiên – xã hội theo hướng đổi mới, sau đó rút kinh nghiệm để áp dụng cho từng đơn vị về cách tổ chức lớp học, phối hợp các phương pháp dạy… Nhưng đối với môn nghệ thuật âm nhạc, mỹ thuật hay thể dục gần như ít được quan tâm chú ý đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho tiết học thật hấp dẫn, lôi cuốn tất cả học sinh cùng tham gia hoạt động nào đó để không khí lớp sinh động, học sinh tích cực học tập. Thực tế khi có người dự giờ, giáo viên chỉ quanh quẩn chuẩn bị giáo án điện tử như thế nào, không mạnh dạn thoát ly mà cứ chăm chú nhìn vào màn hình, em nào dự kiến được giáo viên mời phát biểu, cuối giờ khen thưởng ra sao… Thí dụ giờ dạy mỹ thuật khối 3, đề tài vẽ con vật mà em thích, bắt đầu tiết dạy giáo viên giới thiệu một số tranh, ảnh vẽ con gà, kể cả chiếu lên màn hình: nào là cảnh chọi gà, con gà trống vươn cổ gáy, gà mẹ dắt đàn gà con đi kiếm ăn…, sau đó hướng dẫn học sinh quan sát từng bộ phận về hình dáng, màu sắc rồi hướng dẫn các em vẽ là xong. Nếu giáo viên không khéo phân chia thời gian cho từng hoạt động một cách cụ thể thì tiết học như thế này chỉ diễn ra trên dưới 20 phút, rất nhàm chán không hứng thú cho người dự giờ nói chi đến các em học sinh, chưa nói đề bài yêu cầu vẽ con vật mà em thích, đối tượng rộng mà thầy cô chỉ áp đặt cho cả lớp thích và vẽ con gà trống (?!). Với loại bài này tôi xin gợi ý cách tiến hành như sau: trước khi tìm hiểu bài giáo viên cho học sinh nêu “em thích con vật nào nhiều nhất” (cho các em thoải mái trả lời), sau đó chọn ra những em có sở thích giống nhau (thích gà, chó, mèo…) vào học cùng một nhóm để thầy cô dễ dàng hướng dẫn riêng từng nhóm (do có cùng sở thích và vẽ cùng một con vật). Trong quá trình học sinh vẽ, giáo viên quan sát, phát hiện giúp đỡ các em yếu để các em hoàn thành sản phẩm của mình ngay tại lớp. Như vậy, cuối tiết không khí lớp học trở nên sinh động hơn vì các em sẽ nhận xét, đánh giá được nhiều con vật chứ không nhận xét gói gọn chỉ con gà. Đây chỉ là gợi ý của riêng tôi mong nhận được góp ý của đồng nghiệp để cho tất cả các môn học ở bậc tiểu học đổi mới một cách đồng bộ.

Trần Văn Tám 
(Trường Tiểu học Trung Lập Hạ,
Củ Chi, TP.HCM)

Bình luận (0)