Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giảm ùn tắc, tai nạn giao thông: Cần những giải pháp đồng bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Nút giao Mỹ Thủy (Q.2) được xem là điểm đen giao thông vì tình trạng kẹt xe giờ cao điểm và cả tai nạn giao thông

Công tác thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông chưa đồng bộ đã gây phát sinh nhu cầu đi lại lớn hơn năng lực hạ tầng giao thông. Thực trạng này khiến việc giải quyết ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn khó dứt điểm.

Nhiều bất cập tồn đọng

Hiện, TP.HCM có trên 8 triệu dân, số lượng phương tiện giao thông lên đến hơn 7,5 triệu xe, trong đó xe mô tô chiếm gần 7 triệu xe. So với cùng kỳ năm 2015 thì số lượng tăng hơn 6,7%, chưa kể mỗi ngày có hàng triệu xe từ các tỉnh thành khác lưu thông. Vì thế, giao thông đường bộ được xem giải quyết nhu cầu giao thông đô thị là chính. Tuy nhiên, thống kê của Sở GTVT TP.HCM cho thấy, các chỉ số về khả năng đáp ứng giao thông lại rất thấp. Thực trạng này khiến hiện tượng kẹt xe, ùn tắc giao thông nghiêm trọng thường xuyên gia tăng ở các trục giao thông chính như xa lộ Hà Nội, đường Trường Chinh, Cộng Hòa (Q.Tân Bình), Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), vòng xoay Mỹ Thủy (Q.2), Ngã Sáu (Q.Gò Vấp)… trong các giờ cao điểm. Năm 2015 có đến 18 vụ ùn ứ nghiêm trọng. Riêng số vụ tai nạn giao thông, năm 2015, xảy ra 3.712 vụ làm chết 703 người, bị thương 3.302 người. So với cùng kỳ năm 2014, có giảm các số vụ nhưng chỉ giảm 24 người chết và 727 người bị thương.

PGS.TS Hồ Thanh Phong (Trường ĐH Quốc tế – ĐHQG TP.HCM) cho rằng, quản lý và quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp đến giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông. Song hiện tại, quy hoạch dài hạn tổng thể chưa được quan tâm đúng mức ở việc kết hợp biện pháp quản lý, biện pháp công trình và ứng dụng công nghệ thông minh. Khâu thiết kế bất hợp lý, còn chú trọng nhiều đến giải pháp công trình vốn đắt mà chưa chú trọng giải pháp quản lý rẻ. Điển hình vòng xoay đường Phạm Văn Đồng rất rộng, tiền đầu tư lớn nhưng lại thường xuyên kẹt giờ cao điểm. Hoặc việc mở đường, xây cầu cũng chưa tính đến yếu tố động về sau của giao thông, mới chỉ là giải pháp trước mắt.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Khoa KTXD, ĐH Bách khoa TP.HCM cũng nhận định, các công trình nâng cấp hạ tầng không đồng bộ, chậm chạp, thiếu khoa học, triệt để. Đường sá nội thành hiện nay không thể mở rộng, lượng xe lưu thông đông nhưng việc tìm hướng giải quyết chưa thấy khả thi. Chỉ nhìn vào vấn đề giải quyết lấn chiếm vỉa hè, lề đường đã thấy hết sức khó khăn. Hoặc chúng ta đang chú trọng phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe buýt thì dịch vụ còn hạn chế, thiếu làn đường ưu tiên vì thế nhu cầu đi lại chưa đông.

Hậu quả của ùn tắc, tai nạn giao thông khiến thành phố mỗi năm mất khoảng 18.307 tỷ đồng để giải quyết. Vấn đề quan trọng trong giao thông đô thị là công tác quy hoạch, nếu làm tốt sẽ hạn chế được nhu cầu phát sinh đi lại của cư dân. 

Trước thực trạng này, phía Sở GTVT TP.HCM cũng thừa nhận, việc phát triển đô thị hiện mất cân đối lớn giữa quy mô phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nguyên nhân do nhiều giải pháp tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, chưa sâu sát. Ngân sách thiếu, cơ chế, chính sách chồng chéo dẫn đến không tạo được sự chuyển biến. Chỉ tính riêng các bệnh viện, trường học lớn trong khu vực nội đô thu hút lượng lớn giao thông song các tuyến vận tải hành khách công như xe buýt chưa nhiều. Ở các quận huyện ngoại thành, tiến độ di dời khu công nghiệp, nhà máy cảng biển, bến xe liên tỉnh… còn chậm. Công tác phát hiện sự cố về hạ tầng giao thông còn chậm trễ, chưa có chính sách kiểm soát phương tiện cá nhân. Chưa có trung tâm điều khiển giao thông xứng tầm gây khó khăn trong công tác quản lý… khiến tình trạng ùn tắc vẫn gia tăng, các vụ tai nạn vẫn cao.

Cần có những giải pháp đồng bộ

TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho biết: “Chúng ta phải đổi mới ngay quan điểm, tư duy trong vấn đề quy hoạch xây dựng, giao thông, từ đó tạo ra các đột phá về chính sách, giải pháp, bởi hiện nay chúng ta đang ít chú trọng đến giải pháp thực hiện cụ thể. Mặt khác, cần tăng cường khâu chuẩn bị, nghiên cứu lựa chọn mục tiêu phù hợp để tránh dàn trải, lãng phí. Quá trình chuẩn bị chu đáo, nhất là việc xác định đúng mục tiêu cụ thể thì quá trình thực hiện sẽ thuận lợi, hiệu quả”. PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp cũng cho biết thêm, đối với việc thi công các công trình cần có những người đứng đầu, để thống nhất chỉ định, đề xuất, giải quyết có trách nhiệm trước những vấn đề hạ tầng còn bất cập.

Nói về giải pháp giảm ùn tắc, tai nạn giao thông hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm cấp bách được triển khai từ nay đến năm 2020 của TP.HCM là phải đầu tư, xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lớn như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt, xe buýt nhanh để đáp ứng mục tiêu 25-30% nhu cầu đi lại của người dân. Vì thế, thành phố cần phải tăng cường quản lý sự gia tăng phương tiện cá nhân, phát triển hạ tầng, tạo thông thoáng lòng đường, vỉa hè cho người đi bộ, xe đạp, thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng và phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các vành đai 2, 3. Đây là một bài toán tổng thể, đòi hỏi các giải pháp phải có sự đồng bộ và thực hiện quyết liệt của các ban ngành.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Bình luận (0)