Với những điều chỉnh từ hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia 2015, chúng ta có thể an tâm hơn và hy vọng về một kết quả tốt đẹp cho kỳ thi 2016. Song vấn đề mà dư luận băn khoăn nhất hiện nay là sự không công bằng trong khâu chấm thi. Đó là điểm lo lắng có cơ sở mà Bộ GD-ĐT cần phải thấy trước để có cách khắc phục. Nếu kỳ thi 2015, đa phần thí sinh tập trung thi và bài làm được chấm ở các cụm do các trường ĐH đảm nhận, nên tính chuyên nghiệp rất cao từ việc coi thi cho đến khâu chấm; thì năm nay, hội đồng coi và chấm thi rải đều về các địa phương sẽ khó đảm bảo tính công bằng. Mặc dù Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu phải có ít nhất 50% nhân lực từ các trường ĐH để hợp lực với sở GD-ĐT địa phương.
Đã có nhiều ý kiến khác nhau, như nên hoán đổi bài thi, hoán đổi giám khảo chấm ở các cụm, tập trung bài chấm về các thành phố lớn để chấm khách quan, công bằng. Giải pháp này đã được áp dụng cho các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây. Đồng ý rằng có một số hiệu quả, nhưng cốt lõi vấn đề thì chưa giải quyết được triệt để, vẫn còn nhiều phiền phức, tốn kém… Theo chúng tôi, cái quan trọng nhất là ở chỗ cần phải có một quy trình chấm thi thật sự chuyên nghiệp, thống nhất. Thứ nhất, đề thi và đáp án dù đóng hay mở cũng phải rõ ràng, chi tiết, cụ thể từng phương án chấm. Tránh tình trạng đáp án chấm tùy thuộc vào sự thống nhất của giám khảo ở cụm thi riêng. Điều này dễ dẫn đến sự lệch nhau của cách chấm giữa các cụm. Theo chúng tôi, đây chính là điểm bất hợp lý nhất của các kỳ thi vừa qua. Thứ hai, lựa chọn, tập huấn, bố trí giám khảo các vòng chấm hợp lý tùy theo tình hình cụm thi. Thứ ba, nên khống chế số lượng bài chấm của mỗi giám khảo trong từng buổi. Thứ tư, phải có tâm lý thoải mái, không bị áp lực về thời gian chấm, thời gian lên điểm theo kiểu “chạy nước rút” như mọi năm. Và thêm nữa, sau kỳ thi, mỗi cụm tổ chức thi phải có sự tổng hợp, đánh giá, kiểm điểm một cách cụ thể, nghiêm túc, thẳng thắn trước Bộ GD-ĐT. Và bộ phải công khai điểm này trước dư luận xã hội.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)