Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hàng giả, hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường: Người tiêu dùng hãy tự bảo vệ sức khỏe

Tạp Chí Giáo Dục

Đại biểu phát biểu tại buổi tọa đàm

Ngày 31-3, Sở Công thương TP đã phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) TP.HCM tổ chức tọa đàm “NTD và nỗi lo sức khỏe khi mua sắm tiêu dùng”. Tại đây, nhiều đại biểu tỏ ra bức xúc vì việc xử phạt đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được xử lý triệt để…

NTD chưa được bảo vệ đúng mức!

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thành Danh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương. Ông Thành Danh cho rằng: “Về an toàn thực phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhưng cơ quan thực thi lại phân công chồng chéo, trình độ hạn chế, kiêm nhiệm… nên vấn đề bảo vệ an toàn cho NTD còn hạn chế”.

Cùng nói về vấn đề này, ông Trần Văn Ký – Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm TP.HCM – chia sẻ: “Cơ quan quản lý ở giấy tờ chuẩn đến từng dấu phẩy nhưng khi kiểm tra ở ngoài thì chưa chuẩn, số lượng thực tế so với số lượng cơ quan quản lý bắt được như muối bỏ biển. Khi xử lý và quy trách nhiệm thì do nhiều bộ, ngành quản lý nên cha chung không ai khóc, các cơ quan lại đổ lỗi cho nhau”.

Dưới góc nhìn là một NTD, ông Nguyễn Hoàng Dũng – Viện Nghiên cứu kinh tế TP – bức xúc: “Pháp luật đang loạn lên không biết xử lý thế nào vì có nhiều văn bản, người chịu trách nhiệm cuối lại không truy ra. Muốn phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng mà dùng tem thì tem cũng làm giả được…”.

Ngộ độc thực phẩm vì thiếu hiểu biết

Thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, nước giải khát… là hàng giả, hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường. Trong khi đó, NTD chưa nắm rõ về quyền lợi của mình cũng như chưa có kiến thức để lựa chọn sản phẩm an toàn nên việc bị ngộ độc thực phẩm (NĐTP) vẫn đang xảy ra.

Tình trạng NĐTP những năm gần đây ở Việt Nam đã được hạn chế, nếu năm 2011 có 850 người NĐTP thì năm 2015 còn hơn 260 người. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TP.HCM – cho biết: “Việc kiểm soát nông sản, thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong rau quả; kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng, hormone trong  sản phẩm động vật, thủy sản. Ngoài ra, tình trạng vận chuyển động vật trái phép, thực phẩm bẩn vào các TP lớn như TP.HCM vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm còn nhiều hạn chế, các cơ sở giết mổ gia súc tập trung mới đạt 15%, các tỉnh phía Bắc chỉ đạt 2,5%…”.

Việc tiêu thụ thực phẩm không an toàn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lây truyền qua thực phẩm. Ở những quốc gia đang phát triển, ước tính mỗi năm có khoảng 1/3 dân số bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra, trong đó tiêu chảy do thực phẩm và nước bị ô nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng năm cho khoảng 2,2 triệu người. Riêng ở Việt Nam, thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, có đến 400 bệnh truyền qua thực phẩm, chủ yếu là các bệnh tả, lỵ trục trừng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm…

Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, bác sĩ Huỳnh Mai khuyến cáo NTD chỉ mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; được các cơ quan Nhà nước kiểm soát như quầy sạp trong chợ, cửa hàng, siêu thị. Tránh mua hàng trôi nổi, không nhãn mác, xuất xứ, thành phần chất lượng kém. Hạn chế các sản phẩm chế biến sẵn như tỏi, sả xay, rau củ đã thái sẵn, thịt cá xay nhuyễn vì nguy cơ dùng chất tẩy trắng, hàn the.

Bài, ảnh: Hà Xuyên

Bình luận (0)