Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lợi dụng kẽ hở pháp luật để xâm hại trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Đặng Hoa Nam

Dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm tới vụ việc hàng chục HS ở Trường Tiểu học bán trú La Pán Tẩn (xã La Pán Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) bị bảo vệ trường xâm hại tình dục. Một trường hợp khác cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng những ngày qua là hình ảnh thầy giáo dạy môn vật lý – công nghệ ở Châu Đốc, An Giang “luồn tay qua nách” nữ sinh để… chỉ bài.

Xâm hại tình dục trẻ em không mới nhưng mỗi khi chuyện vỡ lở người lớn đều không khỏi giật mình. Trao đổi với Giáo dục TP.HCM về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH – cho biết:

Dự thảo Đề án Luật sửa đổi Bảo vệ, Chăm sóc, Giáo dục trẻ em đã được đưa ra góp ý tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Hiện dự thảo đang giao cho cơ quan thẩm tra để tiếp tục tiếp thu giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Sáng 5-4 tới, tại phiên họp toàn thể, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Bảo vệ, Chăm sóc, Giáo dục trẻ em sửa đổi.

Trong Dự thảo dự án do Chính phủ trình với Quốc hội nâng tuổi trẻ em để phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. Trẻ em là dưới 18 tuổi. Dự án đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, đa số các ý kiến đồng thuận. Tôi cũng xin nhắc lại, điều 1 của công ước có quy định: Trẻ em là người chưa 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật quốc gia áp dụng người chưa thành niên sớm hơn, có nghĩa là tuổi chưa thành niên và tuổi trẻ em phải tương đồng với nhau.

Thời gian gần đây, báo chí có đưa ra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, riêng vụ xâm hại tình dục nhiều trẻ em ở Lào Cai, Sở LĐ-TB&XH Lào Cai đã có những giải pháp kịp thời. Đó là phải bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ về tâm lý để các em ổn định tiếp tục đến lớp. Thứ hai là phối hợp với cơ quan điều tra để đưa tội phạm ra truy tố, xét xử theo pháp luật.

PV: Sự việc diễn ra tại Trường Tiểu học La Pán Tẩn trong một thời gian dài và nạn nhân là nhiều trẻ em. Theo ông, nguyên nhân vì sao nhà trường, giáo viên không phát hiện sớm?

Hành vi xâm hại tình dục trẻ em là hành vi xâm hại phức tạp, khó phát hiện, không chỉ riêng Việt Nam. Thứ hai, trẻ em chưa được hướng dẫn cụ thể các kỹ năng để bảo vệ bản thân cũng như kỹ năng thông báo khi gặp phải nguy cơ bị xâm hại. Dù việc này chúng ta đã cố gắng làm trong một thời gian dài, tuy nhiên để cải thiện tình hình, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em trong trường học, đặc biệt là giáo dục về giới tính, sinh sản cần phải làm tích cực, mạnh mẽ hơn. Sắp tới, ngành giáo dục phải tích cực hơn nữa để đưa nội dung này vào trường học.

Chúng tôi nhấn mạnh, kỹ năng bảo vệ cũng như hoạt động giáo dục sinh sản, giới tính bắt đầu càng sớm càng tốt, có thể bắt đầu từ nhà trẻ, mẫu giáo. Các nước trên thế giới đều đã làm. Việc này cũng cần bắt đầu từ gia đình, cha mẹ phải biết được kiến thức kỹ năng đó để bảo vệ con và giáo dục con biết cách tự bảo vệ bản thân.

Đặc biệt, khi có nguy cơ phải mạnh dạn tố cáo. Chúng tôi hơi tiếc khi đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em của cục hoạt động trong rất nhiều năm nhưng vẫn còn không ít trẻ em chưa biết có một người bạn, một phương tiện có thể bảo vệ mình bất kỳ lúc nào. Và thậm chí, nhiều người dân, giáo viên, cha mẹ cũng chưa biết tới đường dây này. Thật là đáng tiếc.

Những vụ việc xảy ra vừa qua tại các địa phương cho thấy sự quan tâm của nhà trường, giáo viên chưa được như mong muốn. Ông có nghĩ vậy không?

Hiện nay, ngành giáo dục đang có cuộc vận động trường học thân thiện, HS tích cực. Ngành giáo dục cũng đang nghiên cứu xây dựng mô hình trung tâm tư vấn học đường, trong đó có công tác bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, nhân vụ việc này, chúng tôi mong Bộ GD-ĐT cần đẩy mạnh hơn nữa để thúc đẩy xây dựng hoạt động tâm lý học đường, trong đó có việc hướng dẫn, giải quyết các vấn đề của trẻ không chỉ liên quan đến học tập mà còn bàn đến nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục dẫn đến những sang chấn tâm lý. Tôi nghĩ 3 bộ (Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH) cần ngồi lại với nhau để xây dựng mạng lưới làm sao để con em được bảo vệ tốt nhất.

Giáo dục là môi trường đặc biệt, phải chăng điều đó đã tạo kẽ hở để kẻ xâm hại dễ dàng hành động và người bị hại không dám tố cáo, thưa ông?

Tôi nghĩ, điều này liên quan đến trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em. Chúng ta cần sớm đưa vào Luật Hình sự về chống xâm hại tình dục trẻ em một cách tốt hơn. Hiện nay, theo Luật Hình sự mới, trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi nếu giao cấu đồng thuận thì chưa có giới hạn xử lý. Trong khi nhiều quốc gia đã đưa giới hạn xử lý hành vi liên quan đến  giao cấu đồng thuận đối với người từ 16-18 tuổi. Cụ thể, nếu ai sử dụng sự ảnh hưởng của mình để giao cấu với người từ 16-18 tuổi thì cũng bị truy tố hình sự. Nhưng luật của  chúng ta chưa quy định cái này.

Sẽ ra sao nếu một thầy giáo lợi dụng hình ảnh của mình trên bục giảng để giao cấu  (dù đồng thuận) với người thành niên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, giao cấu với nhiều trẻ em; hay một bác sĩ chữa bệnh trong bệnh viện lợi dụng vị trí, ảnh hưởng của mình để giao cấu có sự đồng thuận với người  bệnh từ 16 đến dưới 18 tuổi và không chỉ một người mà với nhiều người; hoặc người làm công tác chăm sóc trẻ em ở các trung tâm bảo trợ xã hội lợi dụng vị trí, vai trò của mình để giao cấu với trẻ vị thành niên? Rõ ràng pháp luật chúng ta đang có kẽ hở.

Đứng ở góc độ gia đình, cha mẹ cần được tuyên truyền như thế nào để có thể bảo vệ con em mình, thưa ông?

Tôi nghĩ không chỉ là tuyên truyền mà là phải giáo dục cha mẹ cách làm cha mẹ. Ở nhiều nước đã có những khóa học hướng dẫn cách làm cha mẹ. Làm cha mẹ không chỉ biết nuôi dưỡng, giáo dục con mình mà còn phải biết cách bảo vệ, trò chuyện và hiểu con. Cha mẹ phải hiểu con, tin con để con sẵn sàng chia sẻ.

Trong hiến pháp quy định quyền được bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, trẻ em cũng có quyền này. Chúng tôi cho rằng đối với trẻ em, quyền này phải có điều kiện. Quyền bí mật đời sống riêng tư là quyền bất khả xâm phạm nhưng nó phải vì sự an toàn của trẻ. Nếu bí mật riêng tư đó không vì sự an toàn thì phải có giải pháp. Giải pháp đầu tiên là kỹ năng trò chuyện với trẻ, khơi gợi để trẻ tiết lộ bí mật với mình.

Tôi cũng xin cảnh báo, trong xã hội chúng ta, quan hệ gia đình, trường học đáng lẽ phải thân thiết nhất nhưng trên thực tế những mối quan hệ này đang có nguy cơ trở nên không tin cậy, không thân thiết. Chúng ta phải có biện pháp về pháp luật, truyền thông, giáo  dục để quan hệ này trở nên tin cậy và thân thiết hơn, đúng với bản chất của nó để bảo vệ trẻ được tốt nhất.

Xin cảm ơn ông!

Nghiêm Huê (thực hiện)

Bình luận (0)