Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong buổi tọa đàm |
Hơn 10.000 tạp chí của các trường ĐH trên thế giới, không có tờ nào của ĐH VN; gần 200.000 cử nhân thất nghiệp, 60% cán bộ trình độ ĐH không đáp ứng yêu cầu công việc; càng lên cao chất lượng đào tạo càng thấp; VN có quá nhiều trường ĐH, trong đó có nhiều trường đào tạo chưa tốt… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một trong số đó là vấn đề tự chủ ĐH chưa tốt…
Đây là những thông tin được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra tại buổi tọa đàm về hoạt động và chất lượng đào tạo của các trường ĐH được tổ chức mới đây tại Cần Thơ.
Sợ tự chủ vì… lo mất “bầu sữa” ngân sách
PGS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ – cho rằng: Vấn đề tự chủ ĐH thực hiện khó, trong đó khó nhất là vấn đề kinh phí. Cụ thể như Trường ĐH Cần Thơ không muốn trở thành ĐH vùng vì mô hình ĐH trong ĐH ở VN chưa hoàn thiện lắm, mặt khác tự chủ trong ĐH vùng có nhiều cái mà ĐH bình thường không có. Trong tự chủ có quyết định nhân sự, nguồn kinh phí hoạt động. “Theo tôi, không nên thí điểm mà tất cả trường ĐH đều làm. Vì tự chủ là người học nghĩ ngay đến tăng học phí. Có một trường ĐH đã giảm 40 tỷ đồng/ năm học khi tuyên bố tự chủ do thí sinh sợ tăng học phí mà không dám thi vào. ĐH Cần Thơ có hơn 50.000 sinh viên, nếu tăng học phí từ 6 triệu lên 12 triệu thì trường đủ kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, trường không thể tăng học phí lên gấp đôi như vậy, rất khó cho sinh viên trong bối cảnh của khu vực vẫn còn nhiều gia đình khó khăn”, ông Toàn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Anh Tuấn – nguyên Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, hiện công tác tại ĐH tư thục Quang Trung – thừa nhận: “Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã từng nói: Tự chủ thì phải tự lo kinh phí nên các trường không có niềm tin, thậm chí là rất sợ… tự chủ”.
GS. Cao Văn Phường – Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương – chia sẻ: “Muốn tự chủ ĐH phải có Hội đồng quản trị để quyết kinh phí dùng bao nhiêu, để lại đầu tư cho trường bao nhiêu? Tự chủ là trường phải tự chủ trong mục tiêu hoạt động, kinh phí hoạt động, chương trình đào tạo, quy mô và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo trước xã hội. Tuy nhiên Nhà nước cũng phải có cơ chế để các trường không “bán” trường”…
Lo nhất là nói về tự chủ ĐH như các model
Trước những băn khoăn của đại diện các trường ĐH về vấn đề tự chủ, GS.TS Lê Quang Minh – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết: Từ nhiều năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thực hiện tự chủ. Đây là xu thế hiện nay, dù các trường ĐH không muốn thì xu thế tự chủ vẫn sẽ đến với các trường. Việc thực hiện tự chủ không có gì khó khăn, các trường ĐH nên xem lại nghị định về tự chủ ĐH…
Từ đó cho thấy, các trường ĐH sợ tự chủ một phần vì chưa hiểu rõ những quy định của tự chủ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn cho rằng, việc tự chủ ĐH, vấn đề chính không phải là tiền mà là nhận thức. “Nhiều trường sợ tự chủ vì cứ nghĩ làm là Nhà nước cắt kinh phí hoạt động. Không phải như vậy. Nhà nước không cắt hết kinh phí mà vẫn cấp dưới nhiều hình thức như học bổng, kinh phí nghiên cứu khoa học…”, ông Đam khẳng định.
Cũng theo ông Đam, chỉ những trường ĐH được đảm bảo chất lượng đào tạo mới được Chính phủ cho thực hiện cơ chế tự chủ. Và để thuận lợi cho các trường trong việc thực hiện tự chủ tốt hơn, ông Đam cho biết sẽ đề xuất Chính phủ cho các khoa có quyền tự chủ…
Về nhu cầu về tăng học phí của các trường thực hiện tự chủ, ông Đam nói: Trong trường có nhiều chương trình đào tạo, có thể chọn ra những chương trình có chất lượng hơn để thu học phí cao hơn. Cụ thể như ĐH Cần Thơ, nếu tăng học phí gấp đôi thì vẫn chưa bằng trường ĐH tư thục. Vấn đề là các trường phải thực hiện trong khuôn khổ và cần tách bạch các chuyên ngành đào tạo. Nhưng quan trọng hơn hết là “Chất lượng đào tạo phải làm sao để làm tốt, được xã hội tin tưởng”, ông Đam nhấn mạnh.
Trước sự lo lắng các trường sẽ bán trường khi thực hiện tự chủ, Phó Thủ tướng trấn an: “Đừng lo anh em bán trường mà lo nhất là nói về tự chủ ĐH như các model, nói mà không làm… Các trường ĐH cứ thực hiện tự chủ từng phần, Chính phủ sẽ hỗ trợ cơ chế để các trường tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện”.
Kết luận buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta không thể cứ tà tà trong vấn đề tự chủ mà phải làm như thế giới. Trên thế giới, ĐH công lập hay tư thục đều tự chủ rất cao…”.
Đan Phượng
Bình luận (0)