Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quốc hội thông qua Luật Báo chí và Luật Trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Các phóng viên đang tác nghiệp ở giàn khoan DK1. Ảnh: I.T

Sáng 5-4, với tỷ lệ đại biểu (ĐB) tán thành 89,47%, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017.

Trước đó, tân Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thanh Hải đã đọc báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. Về cấp thẻ nhà báo, tiếp thu ý kiến của ĐB, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý điều 27 dự thảo luật. Cụ thể, để được cấp thẻ nhà báo người công tác tại cơ quan báo chí phải tốt nghiệp ĐH trở lên; trường hợp là người dân tộc thiểu số đang thực hiện các ấn phẩm báo in, chương trình phát thanh, truyền hình, chuyên trang báo điện tử bằng tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp CĐ trở lên. Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ, trừ tổng biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Trước ý kiến đề nghị không nên quy định thời hạn 5 năm phải đổi thẻ nhà báo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thực tế hiện nay có một số trường hợp người được cấp thẻ nhà báo tuy không còn làm công việc liên quan đến báo chí nhưng vẫn giữ và sử dụng thẻ nhà báo không đúng mục đích. Do vậy, để quản lý hiệu quả việc sử dụng thẻ nhà báo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ như dự thảo luật. Báo cáo giải trình cũng đề cập đến ý kiến cho rằng nên bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí nơi mình đang làm việc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định, không thể đưa nội dung này vào luật. Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý các hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó.

Cũng trong sáng 5-4, các ĐB Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trẻ em với tỷ lệ tán thành cao. Trước khi Luật Trẻ em được thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của nhiều ĐB khi quyết định giữ nguyên độ tuổi trẻ em dưới 16 như quy định hiện hành.

Cùng ngày, Quốc hội cũng đã bỏ phiếu bầu 2 phó chủ tịch Quốc hội. Theo kết quả được Ban Kiểm phiếu công bố, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhận được tỉ lệ tán thành cho chức phó chủ tịch Quốc hội là 92,91%, tỉ lệ không tán thành là 4,45%, 459/484 ĐB có mặt đồng ý, 22 ĐB không đồng ý. Trong khi đó, ông Phùng Quốc Hiển nhận được tỉ lệ tán thành cho chức phó chủ tịch Quốc hội là 87,65%, tỉ lệ không tán thành là 9,92%, 433/484 ĐB có mặt đồng ý, 49 phiếu không đồng ý. Như vậy, Quốc hội khóa 13 hiện có 4 phó chủ tịch là các ông, bà: Uông Chu Lưu, Tòng Thị Phóng, Đỗ Bá Tỵ và Phùng Quốc Hiển.

* Trước đó, chiều 4-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản trả lời chất vấn ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Nai về việc đưa vấn đề biển đảo vào chương trình giáo dục. Văn bản trả lời nêu rõ, nội dung giáo dục về biển đảo (trong đó có chủ quyền 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) đã được đề cập trong các bài học của sách giáo khoa hiện hành môn lịch sử và môn địa lý cấp THCS và THPT.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT thực hiện việc rà soát, bảo đảm tất cả bản đồ giáo khoa đều có vẽ và ghi tên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Đồng thời chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường giáo dục lịch sử địa phương ở cấp THCS và THPT, đưa giáo dục biển đảo, chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào phần giáo dục địa phương của các tỉnh, thành phố. Hầu hết các tỉnh ven biển (nhất là các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu…) đã biên soạn nội dung về vị trí địa lý, lịch sử, phát triển kinh tế và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của địa phương; đã tiến hành tập huấn và giảng dạy những tài liệu này. Đưa nội dung giáo dục về biển đảo vào tài liệu Hướng dẫn nhiệm vụ năm học; hướng dẫn các sở GD-ĐT tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam”.

Nghiêm Huê

Bình luận (0)