Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học tiếng Việt là để thực hành

Tạp Chí Giáo Dục

Mt tiết hc môn ng văn đưc sân khu hóa (nh minh ha). Ảnh: N.Tuấn

Trước đây, tiếng Việt trong nhà trường phổ thông được dạy như là để tạo ra các nhà ngôn ngữ, tách tiếng Việt ra khỏi văn học, trang bị kiến thức về ngôn ngữ học một cách hệ thống, hiện đại… Học tiếng Việt chỉ là để biết tiếng Việt thật phức tạp, “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Tiếng Việt khó đến mức khi dạy về “tham thể”, giáo viên đã phải thốt lên thật là “thê thảm”. Học sinh sợ học tiếng Việt. Có lần một giáo sư nói đùa với tôi: “Muốn học sinh thích tiếng Việt chỉ có cách là thủ tiêu mấy tay viết sách giáo khoa tiếng Việt đi”.

Chương trình ngữ văn hiện hành (2006) đã phần nào khắc phục được hạn chế của việc dạy học tiếng Việt nêu trên bằng việc chuyển sang dạy tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp; chú ý yêu cầu vận dụng tiếng Việt, năng lực sử dụng tiếng Việt… Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn những yêu cầu rất phức tạp về tiếng Việt. Đơn cử một ví dụ: Tại sao lại yêu cầu học sinh lớp 9 phải xác định câu văn của Nguyễn Thành Long: “Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá” là câu đơn hay câu ghép? Câu ấy ngay cả các nhà ngôn ngữ học còn cãi nhau chí chóe “bất phân thắng bại” sao lại đi hỏi học sinh? Liệu nếu không biết đây là câu đơn hay câu ghép thì có ảnh hưởng gì đến việc hiểu câu văn này không? Tôi nghĩ với yêu cầu đọc hiểu, câu này học sinh chỉ cần biết người “làm cho ông nhọc quá” chính là anh “con trai ấy” là được rồi; là đã hiểu cả tiếng lẫn văn; cần gì phải xác định đó là câu đơn hay câu ghép? Thậm chí còn hỏi là câu ghép đẳng lập hay chính phụ? Với học sinh phổ thông phân biệt được như thế để làm gì, có tác dụng gì?

Chương trình ngữ văn 2018 được cấu trúc theo hướng: ở tiểu học, học sinh cần nắm thật vững tiếng Việt như một công cụ giao tiếp và để học tập tốt các môn học khác. Lên THCS, tiếng Việt tiếp tục được củng cố qua học văn, để hiểu văn, ngang với văn. Ở THPT, văn được coi là trọng tâm, tiếng Việt chỉ là thực hành qua đọc văn, giúp học sinh hiểu văn từ phương diện chất liệu ngôn từ, ngôn ngữ phù hợp với phong cách và yêu cầu của các loại văn bản.
Chương trình ngữ văn 2018 không hướng tới việc trang bị những kiến thức tiếng Việt rắc rối, phức tạp mà tập trung vào yêu cầu hiểu và vận dụng được tiếng Việt trong các ngữ cảnh giao tiếp phù hợp, theo các mức độ từ đúng đến hay và sáng tạo. Tiếng Việt như là một công cụ, một phương tiện giúp học sinh đọc, viết, nói và nghe có hiệu quả. Có nghĩa là cái đích của việc học tiếng Việt không phải để biết đầy đủ và hệ thống các đơn vị tiếng Việt, không cần đi sâu vào cấu trúc và phân loại quá chi tiết… mà luôn gắn với văn cảnh, đặt trong bối cảnh, giúp người học hiểu tác dụng của các đơn vị ấy trong khi tiếp nhận và tạo lập văn bản; từ đó vận dụng có hiệu quả. Theo đó đánh giá năng lực tiếng Việt cần thay đổi theo hướng cần chú trọng yêu cầu nhận biết, phân tích tác dụng của các đơn vị ngôn ngữ và việc tạo ra, vận dụng được chúng hơn là yêu cầu biết lý thuyết, khái niệm…

Dạy học tiếng Việt phải giúp học sinh thấy được tác dụng thực sự của tiếng Việt, thấy tiếng Việt lý thú, chính xác và tinh tế… để có niềm vui học tiếng Việt; để sử dụng tiếng Việt ngày một tốt hơn, nhuần nhị hơn.

PGS.TS Đ Ngc Thng

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)