Hộp thư “Điều em muốn nói” ở Trường Tiểu học Trần Văn Mười (huyện Hóc Môn) luôn tạo cho các em học sinh sự an tâm khi gửi gắm tâm sự |
Giải tỏa căng thẳng, giảm bớt lo âu, gỡ rối những khúc mắc trong học tập và trong đời sống…, đó là những lợi ích mà hộp thư “Điều em muốn nói” trong trường học đem đến cho các em học sinh bao lâu nay.
Thực tế cho thấy hoạt động này cũng làm cho mối liên hệ giữa thầy cô và học sinh thêm gắn bó, gần gũi hơn.
Gửi gắm… điều em muốn nói
Một bức thư của học sinh lớp 4 không ghi tên thật, chỉ chú thích ở cuối thư để giáo viên dễ nhận diện với đặc điểm “Con ngồi đầu bàn dãy thứ 3”, cho thấy em đang rất hoang mang. Giáo viên chủ nhiệm cho biết cô đã rớt nước mắt khi đọc nội dung thư học trò ghi: “Con thưa cô, ba mẹ con mới cãi nhau. Trong lúc nóng giận ba con đập đồ đạc, còn mẹ con thì khóc nhiều làm con rất sợ…”. |
Em T. (học sinh lớp 5 Trường Tiểu học H., Q.10, TP.HCM) cho biết trong trường em mỗi lớp đều có hộp thư “Điều em muốn nói”. Khi gặp vấn đề gì, đa số các bạn trong lớp thường nói với thầy giáo chủ nhiệm. Tuy nhiên, với những điều khó nói như muốn đổi lớp trưởng, muốn đổi chỗ ngồi, bị mất đồ chơi, bị bạn dọa đánh… chúng em đều gửi gắm vào hộp thư.
Cô Khánh Linh (giáo viên Trường Tiểu học Trương Quyền, Q.3) cho hay hộp thư “Điều em muốn nói” của trường trong nhiều năm qua không dừng lại ở hộp thư chung, mà đã được nhân rộng thành mô hình hộp thư trong từng lớp, hộp thư của thầy cô giáo và cá nhân học sinh. Điều này giúp cho các em dễ bày tỏ những vấn đề đang gặp phải như không hiểu bài, khi bị bạn chọc ghẹo hoặc những điều khó nói khác. Không chỉ thể hiện bằng chữ viết, một số học sinh còn dùng hình vẽ và lời thoại rồi gửi trực tiếp vào hộp thư cá nhân của thầy cô hoặc bạn bè thay cho lời muốn nói. Không chỉ bộc bạch vấn đề liên quan đến việc học hành, trường lớp, nhiều tâm tư trong đời sống gia đình cũng được các em giãi bày với tâm trạng buồn vì sắp phải chia tay lớp học do gia đình chuyển nơi sinh sống, sợ hãi khi cha mẹ bất hòa, lo bị điểm kém sẽ bị phụ huynh trách phạt…
Với kinh nghiệm của Trường Tiểu học Trương Quyền, cô Khánh Linh cho biết các thầy cô giáo thường xuyên khuyến khích trẻ bày tỏ tâm tư qua phương tiện ý nhị trên. Đặc biệt, các hộp thư cũng được mở thường xuyên vào ngày thứ năm trong tuần, nhằm kịp thời giúp trẻ giải quyết các vấn đề trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm của ngày thứ sáu. Trong trường hợp học sinh có vấn đề tế nhị thì sẽ được giáo viên dành thời gian trao đổi riêng.
Đồng hành và chia sẻ
Theo cô Khánh Linh, với thực tế hiện nay do yếu tố công việc và lo toan trong cuộc sống, phụ huynh ít có thời gian trò chuyện với con, nên hộp thư “Điều em muốn nói” là một trong những phương cách hữu hiệu giúp trẻ giải tỏa tâm lý và những khúc mắc đang gặp phải.
Đồng hành cùng học sinh trong mọi hoạt động Cô Nguyễn Thị Thu Cúc (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Mười) cho rằng hộp thư “Điều em muốn nói” cũng là giải pháp cho những học sinh có tính nhút nhát, ít dám thổ lộ tâm tư trực tiếp như những học sinh mạnh dạn. Đặc biệt với đặc thù là một ngôi trường có đông học sinh con em lao động di cư như Trường Trần Văn Mười, thì mô hình này càng quan trọng, cần thiết và nên duy trì để nhà trường có thể đồng hành với các em cả trong học tập cũng như trong đời sống thường nhật. |
Cũng là đơn vị thực hiện rất tốt mô hình trên, hộp thư “Điều em muốn nói” ở Trường Tiểu học Trần Văn Mười (huyện Hóc Môn) trong nhiều năm qua luôn được mở thường xuyên, trung bình mỗi tuần mở 3 lần hoặc thậm chí có tuần ngày nào cũng mở, nhằm kịp thời giải đáp những thắc mắc hoặc giải tỏa khúc mắc của các em một cách kịp thời và nhanh nhất có thể. Nhờ đó mà tình trạng một học sinh có khiếm khuyết tiếp thu bài chậm, giáo viên đã kịp hỗ trợ một cách đặc biệt để em theo kịp chương trình. Hay trước nỗi lo của một học sinh sắp phải chuyển trường, giáo viên đã kịp thời bàn bạc với phụ huynh tạo điều kiện cho em học hết chương trình của năm học. Với lo lắng của học sinh khi gia đình em có chuyện bất hòa, giáo viên đã tinh tế tìm đến thăm hỏi và giúp hòa giải…
Có lẽ những kết quả trên đã tạo ra điểm khác biệt so với một số trường tiểu học khác trên địa bàn thành phố vốn xem tình trạng “hộp thư rất ít thư nên không duy trì” hoặc “mỗi tháng chỉ mở 1-2 lần vì không có nhiều thư”. Tuy nhiên, theo quan niệm của cô Nguyễn Thị Thu Cúc (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Mười): “Cho dù có khi cả tuần không có thư nào, nhưng nhà trường vẫn mở hộp thư thường xuyên. Nếu càng ít thư thì chúng ta càng phải mừng, điều đó có nghĩa là học trò mình đang bình an trong học tập và trong cả cuộc sống nữa”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)