Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Luyện từ trong môn ngữ văn

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tiểu học trong tiết học luyện từ và câu. Ảnh: N.Trinh

Từ có thể coi là đơn vị cơ bản nhất để nói, viết – tức là đơn vị để biểu thị một phát ngôn nào đó. Để học sinh có thể học tốt môn ngữ văn, quan trọng hơn là có thể dùng đúng tiếng Việt, cần thiết phải được luyện từ một cách cẩn thận.

Trong việc luyện từ, cần chú ý một số vấn đề quan trọng sau:

Thứ nhất, luôn dạy cho học sinh dùng từ đúng. Giáo viên phải luôn nói, viết đúng từ tiếng Việt, khi có nghi ngờ thì phải kiểm tra hoặc tra từ điển ngay, đặc biệt với từ Hán – Việt, từ cổ, từ trong văn chương, từ địa phương… Chẳng hạn, trước đây cả dân gian và văn học cổ thường dùng các từ “đôi tám”, “đôi chín” (hiện nay từ “đôi mươi” vẫn được dùng nhiều) thì phải hiểu rằng đó là “mười sáu”, “mười tám” chứ không phải “hai mươi tám”, “hai mươi chín”. Hay có một số từ do nói sai hoặc hiểu sai thành ra viết sai, như “sáp nhập” nhầm thành “sát nhập” (vì nghĩ rằng có sát thì mới nhập được), “xán lạn” thành “sáng lạn” (vì từ “xán” rất khó hiểu), “luẩn quẩn” thành “lẩn quẩn” (do trong Nam bộ hay phát âm sai chữ “luẩn”)…

Thứ hai, chú ý việc tạo ra sự hứng khởi cho trẻ khi dùng từ, tìm nghĩa của từ. Không ít người, trong đó có học sinh, hay chủ quan cho rằng mình là người Việt thì sao lại không rành tiếng Việt, cần gì phải luyện tiếng Việt. Cách nghĩ đó rất không nên, bởi nó làm giảm động lực tìm tòi, rèn luyện để có thể dùng từ tốt hơn. Do đó, giáo viên nên tìm nhiều cách để tạo ra sự hào hứng, say mê trong việc tìm từ, tìm nghĩa của từ, nhất là qua các trò chơi. Thí dụ, trò chơi tìm từ ghép với các từ chỉ màu sắc để tạo ra từ có nghĩa có giải thích nghĩa của nó; từ đây học sinh có thể tìm thấy những từ “đo đỏ”, “đỏ rực”, “đỏ chót”, “đỏ au”, “đỏ bừng”, “đỏ gay”, “đỏ hỏn”, “đỏ hoe”…, qua đó học sinh sẽ hiểu thêm nghĩa cũng như cách dùng của các từ trong không khí vui vẻ, phấn khởi.

Để học văn tốt, cần nhiều yếu tố nhưng yếu tố vốn từ có một vị trí hết sức quan trọng. Vì vậy, giáo viên dạy văn phải hết sức chú ý luyện từ cho học sinh, xem đó là chìa khóa để có thể học tốt môn học này.

Thứ ba, quan tâm giúp học sinh tìm ra những cách dùng từ sai. Dạy dùng từ đúng dĩ nhiên là rất cần thiết nhưng cũng cần chỉ ra những cách dùng sai, của bản thân học sinh hoặc trên báo chí, để các em tránh mắc phải. Khi chỉ ra việc dùng sai thì nên giải thích rõ sai như thế nào, phải sửa chữa như thế nào cho đúng. Chẳng hạn, báo chí hay dùng cách ghép từ “tặc” với một từ khác để biểu thị ý cướp thứ gì đó; “tặc” là một từ Hán – Việt nên cách sử dụng phải theo quy tắc của từ Hán – Việt (như “hải tặc”, “đạo tặc”, “không tặc”…), nhưng nếu là “tôm tặc”, “cát tặc”, “cà phê tặc”… thì không ổn chút nào; nếu dùng hạn chế và có dấu ngoặc kép thì có thể chấp nhận trong một số trường hợp nào đó nhưng nếu dùng phổ biến, thường xuyên thì không nên.

Thứ tư, tạo sự liên tưởng, so sánh khi dùng từ. Giáo viên nên dùng những từ đồng âm, đồng nghĩa (gần nghĩa), trái nghĩa… để gợi mở sự liên tưởng, suy nghĩ cho học sinh, từ đó có thể hiểu thêm nghĩa và cách dùng của nhiều từ. Chẳng hạn, gần nghĩa với từ “cắt” có “chặt”, “chém”, “bửa”, “khứa”, “bằm”…, tức là dùng dao để làm đứt thứ gì đó, nhưng nghĩa mỗi từ không giống nhau và không thể dùng thay thế cho nhau; tương tự như vậy, với từ “mang” có nghĩa là di chuyển một vật gì đó từ nơi này sang nơi khác thì ta có rất nhiều từ gần nghĩa như “xách”, “khuân”, “vác”, “khiêng”, “tha”, “bê”… Nếu so sánh tiếng Việt với một số tiếng nước ngoài ở một số trường hợp tương tự thì điều này sẽ tạo cho học sinh nhận thức rõ sự phong phú của tiếng Việt.

Thứ năm, thực hành thường xuyên trong luyện từ. Vốn từ của học sinh còn ít, cần rèn luyện thường xuyên, liên tục để nâng vốn từ lên, làm cho việc diễn đạt dễ dàng hơn, hay hơn, thuyết phục hơn. Không chỉ vậy, tiếng Việt luôn có từ mới và có những từ qua thời gian lại có cách hiểu, cách dùng khác đi, nếu không rèn luyện thì sẽ dùng sai, dùng theo phong trào…, ít nhiều làm giảm sự trong sáng của tiếng Việt. Thí dụ, từ “thì” thường được dùng trong cấu trúc “nếu… thì”, thể hiện một điều kiện, nhưng đôi khi bị ghép vào nhóm “thì, là, mà”, tức là nhóm những từ không có nghĩa nhưng lại làm câu bị rối, lủng củng (kiểu như việc Ngọc Hoàng còn đang suy nghĩ, chưa biết đặt tên cho một loại cây là gì nên còn “thì… là” hóa ra thành “chết danh” luôn); nhưng có lúc từ “thì” lại rất đắt giá, kiểu như trong đối đáp sau: A: Mày xấu quá!; B: Ừ, còn mày thì rất đẹp! Do đó, phải đọc nhiều, thực hành nhiều, sửa sai nhiều thì vốn từ của học sinh sẽ được nâng lên.

Thứ sáu, hướng dẫn học sinh sử dụng từ điển. Từ điển là công cụ hết sức quan trọng để dùng từ cho chính xác, bởi có những từ ta không quen dùng thì có thể không rõ nghĩa. Giáo viên cần dạy cho học sinh cách tra từ điển, từ việc chọn từ điển phù hợp (của tác giả, nhà xuất bản có uy tín) đến thứ tự các từ, cách nhìn từ đầu tiên ở góc mỗi trang, việc xác định các nghĩa (nếu từ có nhiều nghĩa)…

ThS. Nguyễn Minh Hải

Bình luận (0)