Điều khiến các nhà quản lý giáo dục đau đầu hiện nay là các trường mầm non công lập mới chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu gửi trẻ.
Sân chơi tại hội thi thể thao mầm non ở quận Tân Phú (TP.HCM) được lót xốp để bảo vệ an toàn cho trẻ tham gia – Ảnh: Mỹ Dung |
Hội thảo về an toàn cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 8-4 diễn ra trong bối cảnh đã và đang có rất nhiều rủi ro xảy ra đối với trẻ, nhất là trong các nhóm, lớp mầm non tư thục.
Điều khiến các nhà quản lý giáo dục đau đầu hiện nay là các trường mầm non công lập mới chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu gửi trẻ.
“Số trường mầm non công lập và tư thục sau mỗi năm lại tăng lên đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện còn rất nhiều trẻ phải gửi tại các nhóm, lớp tư thục, trong đó có những nhóm, lớp tự phát chưa được cấp phép” – ông Nguyễn Bá Minh, vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, chia sẻ.
Chưa với tay tới các nhóm, lớp ngoài công lập
Tại hội thảo, sở GD-ĐT nhiều địa phương được xem là “điểm nóng” – thường xuyên quá tải nhu cầu gửi trẻ và cũng là nơi từng phát sinh nhiều vấn đề liên quan tới an toàn cho trẻ mầm non – đều khẳng định: đã có những nỗ lực trong việc mở rộng quy mô trường học, quan tâm tới chế độ đối với giáo viên mầm non, thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Tuy vậy, đại diện các sở này vẫn phải thừa nhận một thực trạng là “cái áo công lập” đã quá chật, nên nguy cơ tiềm ẩn vẫn nằm chủ yếu ở các nhóm, lớp mầm non ngoài công lập, kể cả những cơ sở đã được cấp phép.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM tại hội thảo, trong tổng số 1.006 trường mầm non tại TP, chỉ có 431 trường công lập. Trong khoảng 1.551 nhóm mầm non, còn 121 nhóm, lớp không phép. Đây mới chỉ là số cơ sở đã rà soát được, chưa tính những nhóm, lớp gia đình mang tính tự phát trong khu dân cư chưa được thông báo, kiểm tra.
“Không ổn định nhân sự gồm cán bộ, giáo viên, nhân viên; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ không đầy đủ; kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ hạn chế, không được bồi dưỡng thường xuyên…” là những cái “không” điển hình đối với các cơ sở giáo dục tư thục được đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết. Tình hình này chủ yếu tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tương tự, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai cũng cho biết toàn tỉnh có đến 34 khu công nghiệp với tỉ lệ nữ công nhân cao. Vì thế, số trẻ trong độ tuổi mầm non hằng năm tăng từ 10.000 – 15.000 trẻ. Đồng Nai hiện có 61 trường mầm non tư thục trong tổng số 282 trường mầm non của tỉnh. Tổng số nhóm lớp tư thục có 886 nhóm, trong đó còn 148 nhóm, lớp chưa được cấp phép.
Phần lớn các nhóm, lớp mầm non tư thục ở Đồng Nai đều không đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục và an toàn cho trẻ. Trong đó nhiều nhóm, lớp sĩ số quá đông nhưng cơ sở chật hẹp, người chăm sóc trẻ không được trang bị kiến thức, kỹ năng sư phạm. “Nhiều nhóm, lớp nằm trong nhà dân, thay đổi địa điểm liên tục nên khó kiểm soát” – một số đại biểu nêu ra nguyên nhân của thực trạng trên.
Một khảo sát của Trung tâm Giáo dục mầm non, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng khiến nhiều người quan tâm. Bên cạnh việc dẫn ra những bất ổn về điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ, khảo sát này còn dẫn ra thực trạng có khá nhiều nhóm, lớp tư thục có nguy cơ cao gây thương tích cho trẻ do phòng học xuống cấp, chắn song cầu thang thưa, lan can quá thấp…
“Phát triển nhanh, đa số cơ sở nhỏ lẻ, biến động từng ngày, không đủ điều kiện cấp phép nên việc kiểm tra, quản lý rất khó khăn. Tuy vậy, do nhu cầu nên người dân vẫn gửi con. Chủ cơ sở không có thái độ hợp tác với ngành GD-ĐT và chính quyền nên việc can thiệp, đảm bảo an toàn cho trẻ rất khó” – bà Trần Thị Kim Oanh, phụ trách mầm non Phòng GD-ĐT Dĩ An, Bình Dương, bày tỏ.
Theo nhiều ý kiến, ngành GD-ĐT cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đoàn, hội, bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng hơn để phụ huynh cũng có hiểu biết, kết hợp với ngành GD-ĐT bảo vệ trẻ trong các nhóm, lớp tư thục.
Không đảm bảo an toàn tinh thần cho trẻ
Những nguyên nhân chính dẫn đến thiếu an toàn về tinh thần cho trẻ đều do đội ngũ cô nuôi, giáo viên trong các cơ sở mầm non tư thục, nơi ngành GD-ĐT không thể quản lý được.
TS Nguyễn Thị Kim Anh, phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM, đưa ra con số khảo sát tại thị xã La Gi, Bình Thuận: có đến gần 60% giáo viên mầm non bị stress nghề nghiệp. Lý do stress: thường xuyên bị áp lực về thời gian làm việc, sĩ số lớp quá đông, khối lượng công việc phải đảm nhiệm trong ngày nhiều, những rủi ro thường trực do đặc thù công việc liên quan tới trẻ em, chế độ lương, thu nhập thấp… Theo bà Kim Anh, thực tế ở nhiều cơ sở mầm non cũng cho thấy các hành vi bạo lực đối với trẻ em xuất phát từ stress của giáo viên rất nhiều.
Từ thực trạng này cho thấy để đảm bảo an toàn cho trẻ, ngay ở những cơ sở mầm non đang trong tầm kiểm soát thì việc quan tâm đúng mức, sắp xếp lao động hợp lý đối với giáo viên, nhân viên cũng là vấn đề quan trọng.
Tuy nhiên, nguy cơ dẫn đến việc thiếu trách nhiệm, bạo hành trẻ mầm non phần nhiều vẫn diễn ra ở các cơ sở giáo dục tư thục, trong đó chủ yếu là cơ sở không phép. Giáo viên thay đổi liên tục, không qua đào tạo đúng chuyên môn, không được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức là tình trạng phổ biến ở nhiều nhóm, lớp mầm non.
“Nhiều nơi chủ trường trình bày danh sách giáo viên ảo, không đúng với thực tế” – một ý kiến cho biết. Theo bà Trần Thị Kim Oanh thì “đã ưu tiên tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ miễn phí, ưu tiên dành giáo viên mới ra trường có chất lượng cho các cơ sở mầm non tư thục, nhưng nhiều khi chủ trường đã từ chối ưu ái đó”.
“Tìm kiếm sự phối hợp của cha mẹ học sinh để gây áp lực cho các chủ trường, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ” đang là giải pháp mà một số đại diện giáo dục mầm non các tỉnh, thành đề cập đến ở hội thảo. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành ban hành các quy định pháp lý cụ thể, sát thực hơn về trình độ, về tuổi đời của người đủ điều kiện làm chủ trường, chủ nhóm lớp; các quy định về chế độ đãi ngộ, các ưu tiên liên quan tới tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên, nhân viên trong cơ sở mầm non, đặc biệt là các nhóm, lớp tư thục. |
VĨNH HÀ/TTO
Bình luận (0)