Sau hơn 1 ngày thi đấu, cuộc thi Robocon lần thứ 15 đã chọn ra 8 đội thi đấu xuất sắc khu vực phía Nam tiếp tục vào tranh tài tại vòng chung kết toàn quốc, được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 14-5 sắp tới.
Robocon 2016 đánh dấu chặng đường 15 năm đồng hành cùng với hơn 3000 sinh viên đến từ các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên ngành kỹ thuật trên khắp cả nước và sự hợp tác giữa đơn vị tổ chức là Đài truyền hình Việt nam (VTV) và nhà tài trợ chính Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV). Năm nay, chương trình thu hút sự tham gia của 79 đội tuyển đến từ 20 trường, trong đó, có nhiều trường đã gắn bó với cuộc thi trong suốt 14 năm qua, có trường lần đầu tiên đến với chương trình. Đặc biệt có trường trong vài năm tạm chia tay với Robocon nay đã quay trở lại đầy khí thế.
Với chủ đề “Đi tìm năng lượng sạch”, Robocon 2016 hướng tới việc khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế. Ý tưởng này được xuất phát từ thực trạng: con người luôn ngộ nhận năng lượng hóa thạch – nguồn năng lượng rẻ nhất và luôn sẵn có trong tự nhiên – đang ngày càng khan hiếm và dần cạn kiệt. Do đó, để giải quyết vấn đề này, con người phải tìm kiếm nguồn năng lượng ổn định khác để thay thể, và đó phải là nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo để bù đắp cho năng lượng hóa thạch đang cạn dần. Nâng cao nhận thức của con người trong việc tiêu thụ năng lượng hiệu quả và sử dụng nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo là một thông điệp, cũng là ý tưởng mà ABU Robocon 2016 hướng tới.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Ông Shinjiro Kajikawa – Phó giám đốc Khối Hoạch định Chiến lược Toyota Việt Nam khẳng định “2016 là một năm đặc biệt, đánh dấu chặng đường 15 năm hợp tác của Toyota Việt Nam trong việc tổ chức chương trình Robocon – một sân chơi hữu ích cho sinh viên, đặc biệt là những sinh viên trường kỹ thuật. Chúng tôi rất vui mừng được chứng kiến sự phát triển về chất lượng của cuộc thi cũng như khả năng tư duy sáng tạo của các bạn sinh viên tiến bộ theo từng năm. Chủ đề "Đi tìm năng lượng sạch" của Robocon Việt Nam 2016 sẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai, qua đó khuyến khích cộng đồng sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm cũng như tìm kiếm và tối ưu hóa các nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo và bù đắp”.
Tại vòng loại khu vực miền Nam, mỗi trận đấu diễn ra trong thời gian tối đa là 3 phút giữa 2 đội: Đội Xanh và Đội Đỏ. Mỗi đội gồm có 2 robot: Một Eco Robot và một Hybrid Robot. Eco Robot không có cơ chế để tự chuyển động. Nó sẽ hoạt động gián tiếp nhờ lực tác động từ Hybrid Robot bằng sức gió, bằng từ tính hoặc dựa trên chính độ dốc của sân thi đấu. Mỗi Eco Robot mang theo 1 cánh quạt gió đi từ khu vực xuất phát của mình qua 3 khu vực: khu vực Leo dốc và Lên đồi, khu vực Vượt sông, khu vực Xuống sườn đồi dựa vào nguồn năng lượng do Hybrid Robot cung cấp. Sau khi Eco Robot đến được trạm tua bin gió, Hybrid Robot phải lấy cánh quạt gió từ Eco Robot. Sau đó Hybrid Robot tự động leo lên cột tua bin gió để lắp cánh quạt gió vào động cơ sức gió nằm trên đỉnh cột. Đội nào gắn được cánh quạt gió lên đỉnh cột trước sẽ là đội chiến thắng và chiến thắng này được gọi là Chai-Yo!
Theo nhiều ý kiến đánh giá, đề thi năm nay vừa có tính cấp thiết cao vừa có tính mới mẻ trong luật thi đấu. Mặc dù ít có tính đối kháng trong thi đấu nhưng bài toán công nghệ để 2 robot (Eco Robot – Robot sinh thái và Hybrid Robot – Robot lai) rất ít có sự tham gia điều khiển của con người và cũng không có sự tiếp xúc vật lý (ngoại trừ khâu lấy cánh quạt gió) vẫn có thể hỗ trợ nhau để thực hiện nhiều bước như leo dốc, lên đồi, vượt sông đến xuống sườn và cuối cùng là leo lên cột tua bin gió để gắn cánh quạt là thử thách chính cho đề thi năm nay. Đây cũng chính là mục tiêu là chủ đề thi hướng tới, phải tìm “nguồn năng lượng có thể thay thế” chứ không phải điều khiển bằng tay hay bằng lực đẩy vật lý nào giữa 2 robot. Có thể nói kỹ thuật điều khiển tự động là vấn đề công nghệ cốt lõi của đề thi năm nay. Một điểm khác với nhiều đề thi trước là robot tự động năm nay không bị giới hạn tối đa kích thước. Những đội nào “nhanh chân” gắn được cánh quạt gió trên cột tua bin gió mới dành được chiến thắng tuyệt đối Chay – Yo!
Ở vòng loại khu vực phía Nam, khán giả đã được chứng kiến những màn trình diễn công nghệ hấp dẫn và hiệu quả để giải quyết bài toán khó do ban tổ chức đề ra. Từ 19 đội chơi, 6 đội của trường ĐH Lạc Hồng và 2 đội của trường ĐH Trần Đại Nghĩa đã xuất sắc giành được tấm vé vào vòng chung kết của sân chơi đầy kịch tính và hấp dẫn này. Tại vòng chung kết, 32 đội chơi xuất sắc sẽ tiếp tục tranh tài để giành quyền đại diện cho Việt Nam đi thi đấu tại cuộc thi Robocon Châu Á Thái Bình Dương 2016 (ABU Robocon 2016) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
Minh Dương – Cát Tiên
Bình luận (0)