Mặc dù được xem là quốc gia có nền giáo dục đại học tiên tiến và là hình mẫu của thế giới, thế nhưng hệ thống giáo dục của Mỹ vẫn đang bị “chê” là lỗi thời và không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Theo tạp chí Harvard Business Review thì đại dịch COVID-19 đã và đang làm phơi bày hàng loạt thực tế trần trụi của nước Mỹ, trong đó có lĩnh vực đào tạo và việc làm.
Chỉ trong tháng 4/2021, nền kinh tế của quốc gia giàu có nhất thế giới này đã “bốc hơi” thêm 4 triệu việc làm so với cách đây 2 tháng trong khi có hơn 8.1 triệu việc làm mới được mở ra nhưng lại không thể tìm đủ nhân lực phù hợp để đáp ứng. Điều nghịch lý này thể hiện rõ ở những ngành nghề có mức tăng trưởng cao trong mùa dịch như công nghệ thông tin và an ninh mạng.
Các trường đại học ở Mỹ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực có tay nghề cho xã hội – Ảnh: YinYang/Getty Images |
Theo ông Michael Hansen, CEO của Cengage, một công ty công nghệ giáo dục có trụ sở tại Mỹ, thì nguyên nhân cốt lõi nằm ở chỗ: hệ thống giáo dục của Mỹ “không bị quy trách nhiệm cho việc phải đảm bảo sinh viên được trang bị đủ các kỹ năng và năng lực cần thiết cho nghề nghiệp trong tương lai”.
Ngoài ra, các nhà tuyển dụng vẫn còn đang dựa vào yêu cầu truyền thống là bằng cấp của sinh viên sau 4 năm đại học như là một tiêu chí chính để đánh giá khả năng làm việc của ứng viên.
Đào tạo và sử dụng nhân lực theo cơ chế đã lỗi thời
Tuy nhiên, cách tiếp cận như trên hiện đã trở nên lỗi thời và không còn phù hợp với thế giới hiện đại; và vì vậy, đòi hỏi hệ thống giáo dục của Mỹ cần phải được đánh giá lại theo hướng trang bị nhiều hơn cho sinh viên những kỹ năng thực tế phục vụ cho công việc.
Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng cũng phải thay đổi cách thức đánh giá ứng viên của mình dựa trên yêu cầu của công việc. Có như thế mới có thể góp phần làm hồi sinh nền kinh tế vốn đang kiệt quệ vì đại dịch cũng như ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đang có nguy cơ xảy ra trong tương lai gần.
Giáo dục đại học của Mỹ đang bị chê thiếu tính ứng dụng và không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng – Ảnh: 6sigma |
Theo kết quả một khảo sát dành cho sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học trong 5 năm trở lại đây ở Mỹ, 1 trong 5 người được khảo sát (chiếm 19%) cho biết, những kỹ năng được dạy ở trường đại học không phù hợp để sinh viên có thể làm việc và bắt đầu công việc sau khi ra trường.
Ngoài ra, có tới 53% sinh viên vừa tốt nghiệp đại học tiết lộ rằng, họ đã không nộp hồ sơ xin việc vào các lĩnh vực được đào tạo bởi họ cảm thấy “không tự tin vào những gì được học”, cũng như không có đủ các kỹ năng cần thiết mà nhà tuyển dụng yêu cầu.
“Công thức” chung hiện nay ở Mỹ vẫn không khác gì hàng thế kỷ trước khi người sử dụng lao động vẫn xem cơ sở giáo dục cao đẳng và đại học là các “lò luyện” nhân tài cho mình, trong khi các trường lại đào tạo theo kiểu “một mình một chợ” mà không quan tâm đến kỹ năng việc làm và sự sẵn sàng cho nghề nghiệp của sinh viên.
Hệ thống giáo dục đại học của Mỹ vẫn đang đi theo hướng "dạy những gì mình có" chứ không đào tạo theo nhu cầu xã hội – Ảnh: Niall Carson/PA |
Chính vì vậy, để có thể giải quyết “bài toán nghịch lý” này thì theo ông Michael Hansen: “Hệ thống giáo dục của Mỹ cần tăng cường khả năng làm việc của sinh viên bằng cách tạo ra nhiều con đường giáo dục khác nhau nhằm cho phép sinh viên có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp”.
Tiến sĩ V. Darleen Opfer, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tổ chức Lao động và Giáo dục RAND (Mỹ) thì cho rằng cần nghiêm túc suy nghĩ về điều này theo hướng khác biệt. “Lâu nay người ta nói về giáo dục theo một hệ thống đặc thù riêng biệt còn thị trường lao động lại thuộc về một phạm trù khác. Giờ đây, cần phải tư duy về chúng như là một hệ thống chung. Có nghĩa là, giáo dục và thị trường lao động cần phải làm việc chặt chẽ cùng nhau, chứ không thể tách rời”, tiến sĩ V. Darleen Opfer nhận định.
Không nên xem nhẹ đào tạo nghề và giáo dục phi truyền thống
Mỹ có lẽ thuộc số ít quốc gia trên thế giới vẫn còn tồn tại thái độ xem thường hệ đào tạo nghề và các khóa học thiên về thực hành ứng dụng.
Từ lâu nay, hệ thống các trường đào tạo nghề ở Mỹ không được xã hội đánh giá cao – Ảnh: US Department of Education/Flickr |
Các nước châu Âu như Đức, Áo và Thụy Sĩ từ lâu nay xem hệ đào tạo nghề như một hướng đi đầy thực dụng theo cách tiếp cận “học cái nào thông thạo cái ấy” để khi ra trường sinh viên có thể làm được việc ngay. Thế nhưng ở Mỹ thì ngược lại, có tới 2/3 (chiếm 65%) các công việc trên thị trường lao động chỉ dành cho những người tốt nghiệp cử nhân trở lên. Điều này khiến hàng triệu người Mỹ không có bằng đại học đã bị mất cơ hội nghề nghiệp.
Ngoài ra, ngay cả các chủ doanh nghiệp cũng không mấy thiện cảm với những người không theo đuổi học vấn bằng con đường chính quy. Có tới 61% giám đốc nhân sự thú nhận rằng, họ không động đến hồ sơ của các ứng viên không học đại học, kể cả khi các ứng viên đó đạt yêu cầu công việc.
Tuy nhiên, hiện nay đang có nhiều tổ chức, doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm nguồn nhân lực giỏi tay nghề bằng các chương trình giáo dục phi truyền thống.
Chẳng hạn như: tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới IBM đã bắt tay với Trường cao đẳng Kỹ thuật P-TECH để đào tạo những lứa sinh viên thông thạo kỹ năng nghề nghiệp. Còn “ông lớn” Google mới đây cũng kịp công bố những chương trình đào tạo có cấp chứng chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề theo hướng thực hành “cầm tay chỉ việc” cho từng học viên trước khi họ trở thành nhân viên chính thức…
Google là một trong những tập đoàn công nghệ lớn tiên phong trong việc tạo ra các khóa học nghề lấy chứng chỉ để đào tạo nhân sự cho mình – Ảnh: Getty Images |
Vẫn theo CEO của tổ chức giáo dục Cengage, các cơ sở giáo dục đại học cần phối hợp chặt chẽ hơn với doanh nghiệp để có thể thiết kế những chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao.
Điều này sẽ giúp sinh viên khi tốt nghiệp có thể áp dụng ngay kiến thức và kỹ năng có được vào công việc thực tế mà không phải loay hoay bỡ ngỡ vì khoảng cách quá lớn giữa lý thuyết và thực hành.
Nguyễn Thuận/PNO (theo Harvard Business Review)
Bình luận (0)