TP.HCM đang dần hoàn thiện hệ sinh thái chuyển đổi số giáo dục, đưa chuyển đổi số trở thành công cụ và động lực thực hiện hiệu quả đổi mới giáo dục, xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục…
Chuyển đổi số giúp TP.HCM bứt tốc trong giáo dục
Các địa phương cùng “tăng tốc”
Từ năm học 2021-2022, huyện Bình Chánh đã ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyển sinh đầu cấp qua việc triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến lớp 1 và lớp 6 trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cho biết, trong nỗ lực chuyển đổi số giáo dục, thời gian qua hội đồng bộ môn huyện đã xây dựng kho học liệu điện tử theo Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, Phòng Giáo dục đã có tham mưu UBND huyện xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục huyện Bình Chánh, cho phép đối soát dữ liệu luân chuyển để rõ trách nhiệm các đơn vị, kết nối dữ liệu với trung tâm điều hành thông minh của huyện… Hiện nay, toàn bộ điểm số học sinh, dữ liệu bài học, bài kiểm tra được lưu trữ trên hệ thống và đồng bộ điểm với cơ sở dữ liệu chung của ngành.
Mặc dù vậy, theo bà Châu, khó khăn của ngành giáo dục huyện trong thực hiện chuyển đổi số giáo dục là cơ sở vật chất phòng máy tính còn cấu hình cũ, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Nhân sự phụ trách công nghệ thông tin của các cơ sở giáo dục, nhất là ngoài công lập không ổn định nên việc triển khai chuyển đổi số còn thiếu tính đồng bộ. Cạnh đó, khả năng tương tác của phụ huynh với nhà trường thông qua các thiết bị thông minh, máy tính còn chưa cao do phụ huynh còn hạn chế về kỹ năng sử dụng thiết bị.
Tại quận 12, để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, ông Khưu Mạnh Hùng – Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết, quận đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong năm học 2023-2024.
Cụ thể, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số giáo dục trong toàn thể đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên, học sinh, phụ huynh; Đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giáo dục, có chính sách hỗ trợ máy tính phù hợp cho học sinh; Phát triển, ứng dụng các nền tảng số phục vụ dạy – học, triển khai, thí điểm các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp (lớp học thông minh, nhóm học tương tác) phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của mỗi cơ sở giáo dục; Triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở dữ liệu ngành…
Học sinh tiểu học TP.HCM sử dụng máy tính khi tham gia vào hoạt động trong giờ học
Năm học này, ngành giáo dục quận tiếp tục tham gia xây dựng hệ thống thông tin địa lý giáo dục (bản đồ GIS) với các tính năng: Cung cấp thông tin cơ sở giáo dục quận trên bản đồ chung toàn TP, giúp người dân dễ dàng tìm kiếm thông tin cơ sở giáo dục; Dự đoán xu hướng phát triển, nhu cầu mở rộng quy mô trường lớp, phân luồng tuyển sinh dựa vào hạ tầng giao thông…
“Hiện nay, trên nền tảng cơ sở dữ liệu, quận đang triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử, liên lạc giữa nhà trường với gia đình, đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, truyền thông và kết nối với các ứng dụng trong và ngoài ngành giáo dục để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục quận” – ông Hùng nói thêm.
Hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục số trong toàn ngành
Từ thực tế thực hiện chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận 11, ông Nguyễn Trọng Hiếu – Trưởng phòng GD-ĐT quận 11 thừa nhận, bên cạnh những chuyển biến tích cực, quá trình chuyển đổi số giáo dục vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Trước hết là quá trình tiếp cận về kiến thức trực tuyến ở các cơ sở giáo dục còn khác nhau, chưa đồng bộ, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý giáo dục trong dạy và học. Đặc biệt, chưa có sự kiểm soát sát sao về học liệu số khi hiện nay đang xảy ra tình trạng học liệu số tràn lan, thiếu tính xác thực và không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, nội dung gây ra sự không đồng nhất về kiến thức, tạo nên nhiều hệ lụy…; Các quy định trong pháp lý chuyên môn về chuyển đổi số giáo dục vẫn chưa được hoàn thiện dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình chuyển đổi số.
“Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số giáo dục trong toàn thể đội ngũ. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, hình thành kho học liệu mở, dùng chung cho toàn ngành, liên kết với quốc tế để đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực ngoại thành, trung tâm… Hạ tầng mạng và thiết bị công nghệ phải được đổi mới mang tính ổn định, đồng bộ; Hoàn thiện hệ thống pháp lý, tăng cường ứng dụng các phần mềm quản lý…” – ông Hiếu kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số giáo dục.
Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, TP.HCM xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, song hành cùng với đổi mới giáo dục. Thông qua các đề án về chuyển đổi số, giáo dục thông minh, TP chỉ rõ, chỉ có chuyển đổi số mới đưa giáo dục bứt phá, khắc phục khó khăn, thực hiện hiệu quả mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 hướng tới.
Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đã ký kết hợp tác với 2 doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế là Viettel và Google for Education, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số giáo dục, hướng tới hoàn thiện năng lực số cho đội ngũ, hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục số ở khắp trường học từ hạ tầng, trang thiết bị cho đến con người…
“Năm 2024, cùng với việc duy trì các lớp học số, TP sẽ ứng dụng AI đưa giáo viên số vào giảng dạy, giải bài toán thiếu giáo viên ở nhiều khối lớp và mở ra sự tương tác mới cho học sinh trong môi trường số. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng giáo viên trên môi trường số cũng sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả trong năm 2024… Mục tiêu hướng tới là làm sao giúp cho việc học sinh mang thiết bị đến trường học không còn rời rạc, thiếu kiểm soát mà gắn với việc học, trở thành công cụ để việc dạy và học trở nên hiệu quả…” – ông Nguyễn Bảo Quốc thông tin.
Giang Quân
Bình luận (0)