Giáo viên Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) hướng dẫn học sinh trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: D.Bình |
Giống như môn toán, cấu trúc đề thi môn tiếng Anh tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM năm nay cũng có một vài điểm mới. Do đó, bên cạnh việc ôn tập những kiến thức căn bản, giáo viên còn có những lưu ý quan trọng nhằm giúp học sinh đạt kết quả thi tốt nhất.
Những điểm cần lưu ý
Một kinh nghiệm nhỏ có thể giúp các em học từ vựng, góp phần tránh sai lỗi chính tả, đó là tự giác… chép phạt. |
Theo thầy Xuân Văn, Tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THCS Đức Trí (Q.1), các em học sinh cần ôn tập tất cả những cấu trúc căn bản của văn phạm. Đề thi năm nay còn có dạng bài từ vựng mới dành cho học sinh thí điểm. Bên cạnh đó cũng có thay đổi một chút là không có phần chia động từ, mà nó được lồng ghép vào phần trắc nghiệm.
Thầy Văn cho biết thêm, đề thi tuyển sinh tiếng Anh năm nay có thêm một phần mới là viết thành một câu hoàn chỉnh từ những từ có sẵn. Học sinh nắm vững cấu trúc văn phạm thì sẽ làm được. Đề thi năm ngoái có 4 câu chia động từ (1 điểm), giờ tách ra thành 2 loại, trong đó 2 câu vào phần bài đọc, còn 2 câu sẽ là yêu cầu “viết câu hoàn chỉnh”. Trong cấu trúc bài thi môn tiếng Anh, thường phần cơ bản chiếm từ 6-7 điểm (điểm 8-10 đòi hỏi phải cao hơn) nên các em hãy chọn làm những phần cơ bản trước, những phần khó sẽ làm sau. Theo đó, những phần ưu tiên làm trước là các phần về cấu trúc văn phạm, chia động từ, giới từ… Chẳng hạn như trong phần trắc nghiệm và bài đọc, các em nên làm những câu có liên quan đến cấu trúc văn phạm, chia động từ, giới từ trước vì những phần đó dễ kiếm điểm. Phần này có thể giúp các em trung bình, yếu có điểm. Còn 4 từ khác nhau thì bắt buộc phải thuộc từ vựng các em mới làm được.
Bên cạnh việc nắm vững cấu trúc văn phạm, thầy Văn còn đặc biệt lưu ý học sinh cần nắm vững từ vựng, thuộc từ vựng và biết ứng dụng một cách linh hoạt. Theo thầy Văn, một kinh nghiệm nhỏ có thể giúp các em học từ vựng, góp phần tránh sai lỗi chính tả, đó là tự giác… chép phạt. Ví dụ như một từ nào đó trả bài không thuộc, các em hãy viết từ đó bằng bút mực đỏ (gây chú ý mỗi khi mở tập) và học lại 2-3 lần (bao gồm cả danh từ là gì, tính từ là gì, từ trái nghĩa là gì, nghĩa tiếng Việt là gì?). Sau khi thuộc từ này, các em sẽ biết khi nào dùng danh từ, tính từ và ứng dụng như thế nào cho hợp lý. Việc này cũng sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt quá trình học nên sẽ giúp các em nhớ lâu. Không chỉ tự giác… chép phạt, các em cũng cần siêng học, chịu khó làm bài tập. Chẳng hạn như sử dụng Passive Voice nhiều lần, đổi từ câu này sang câu kia, sẽ giúp các em nhớ được 2 dạng của nó.
Bài thi không bị lỗi phải làm nháp trước Theo thầy Văn, thực tế về văn phạm không phải các em không biết làm, nhưng do các em hay bị rối, bị ảnh hưởng tâm lý. Để khắc phục tình trạng này, khi làm bài, các em đừng vội làm vào bài thi ngay, mà nên làm vào giấy nháp trước đối với tất cả các phần. Nếu tranh thủ được thời gian, các em nên làm trên giấy nháp một hoặc hai lần. Sau đó nên nghỉ ngơi thư giãn từ 3-5 phút cho đầu óc thoải mái, rồi dò lại bài nháp một lần nữa thật cẩn thận và viết vào bài thi. Thao tác này vừa giúp các em có bài thi sạch sẽ, vừa có thể hạn chế được một vài lỗi chính tả, mà vẫn đảm bảo đủ thời gian làm bài. Tránh trường hợp làm vào bài thi ngay, nếu làm sai và bị tẩy xóa sẽ khiến các em thêm mất tự tin. Tuy nhiên, sau khi đã nộp bài, các em nên giữ lại tờ giấy nháp để khi thi xong có thể đối chiếu kết quả, biết đúng sai ra sao. |
Thầy Văn nhận định, điểm đặc trưng của môn tiếng Anh là vận dụng vốn tự có, vận dụng những kiến thức đã được rèn luyện trong cả quá trình học tập. Tuy nhiên, thực tế mỗi tuần học sinh lớp 9 chỉ học từ 10-15 từ vựng, nhưng vẫn có một số trường hợp không thuộc từ, mặc dù xác định được danh từ hay tính từ của từ đó. Trái lại cũng có những em thuộc từ vựng, nhưng lại không biết vận dụng vào câu. Để khắc phục tình trạng này, giáo viên đã nỗ lực vừa dạy, vừa trả bài và kết hợp ứng dụng từ vừa học vào bài tập một cách thường xuyên, liên tục và điều đáng mừng là cách làm này đã giúp các em tiến bộ hơn.
Khắc phục tâm lý “ta đây”
Thầy Văn cho biết, so với các môn thi khác, tiếng Anh là môn làm bài nhanh nhất, thời gian dư nhiều nhất. Thậm chí nhiều em học sinh giỏi chỉ cần 10 phút là đã xong bài thi. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là một số em chủ quan không làm bài nháp trước, làm cho nhanh và xong sớm như chứng tỏ “ta đây” giỏi, rồi chỉ bài cho bạn này bạn kia, mà không dành thời gian dò lại bài làm của mình. Đó là lý do mà điểm 9-10 của môn tiếng Anh không cao vì những lỗi sai lắt nhắt do chủ quan. Do đó, các em cần khắc phục điểm này, vì thi tuyển vào lớp 10 chỉ cần hơn thua nhau 0,25 điểm là cũng có thể người đậu, người rớt. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số học sinh làm bài rất tốt. Trong đó có những em học sinh giỏi biết cách phân chia thời gian hợp lý, lần làm nháp đầu có thể mất 20 phút, nhưng lần sau có thể chỉ tốn 10 phút, vẫn đảm bảo thời gian làm bài nháp hai lần, nên bài thi của các em rất sạch sẽ và rõ ràng. Điều đặc biệt quan trọng là các em nên làm bài phải theo ý của mình, kiên định với bài làm của mình, không nên thấy bạn làm khác mình mà làm theo.
Theo thầy Văn, một điều quan trọng nữa là khi làm bài thi các em phải cẩn thận, vì thời gian làm bài 60 phút là khá thoải mái. Theo đó, một số lỗi thường gặp mà các em cần tránh là danh từ số nhiều và động từ số ít. Không phải các em không biết làm, mà do các em làm ẩu. Thêm nữa là viết chữ không rõ ràng, viết sai chính tả.
Để chuẩn bị tâm lý trước kỳ thi, các em nên để đầu óc nghỉ ngơi 2-3 ngày trước khi thi, không nên lo lắng thái quá và cần ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc.
Bích Vân (ghi)
Bình luận (0)