Cùng với những loại hình nghệ thuật khác, ảo thuật hiện đang bị “khủng hoảng” khán giả. Để loại hình này thu hút người xem, nhất là những bạn trẻ phải có sự đầu tư về sân khấu, đạo cụ, âm nhạc, tiết mục biểu diễn… Nghệ sĩ ảo thuật phải làm sao để tiết mục độc đáo, bất ngờ và gây ấn tượng.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (Phó Trưởng ban Lý luận phê bình, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) chia sẻ tại tọa đàm
Đây là bàn luận tại tọa đàm “Vấn đề định hướng và giải pháp phát triển ảo thuật Việt Nam” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức.
Phải tạo dấu ấn riêng
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (Phó Trưởng ban Lý luận phê bình, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí đã khiến ảo thuật cũng như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác bị “khủng hoảng” khán giả. Tuy nhiên, ảo thuật vẫn được quan tâm khi có những tiết mục hay, độc đáo, tạo sự bất ngờ cho người xem. “Tại Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 4 năm 2023 diễn ra mới đây tại TP.HCM, tôi nhận thấy có những tiết mục dễ thương, mới lạ nhưng cũng có những tiết mục bị trùng lắp, mô-típ lặp lại, thần thái của nghệ sĩ ảo thuật chưa thu hút người xem. Chúng ta muốn khán giả tìm đến ảo thuật phải hiểu họ, từ đó đầu tư cho tiết mục”, bà Thái chia sẻ.
NSND Tống Toàn Thắng (Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam) nhận định, ảo thuật là bộ môn nằm trong nghệ thuật xiếc và từ lâu đã trở thành môn giải trí. Để phát triển ảo thuật cũng như những loại hình nghệ thuật truyền thống, chúng ta không thể theo cách cũ mà phải làm sao cho nghệ thuật này trở nên mới mẻ. Nghệ sĩ ảo thuật phải xây dựng cho mình phong cách, dấu ấn riêng thông qua cách biểu diễn, đạo cụ, âm nhạc… để tạo sự khác biệt giữa bản thân với những nghệ sĩ ảo thuật khác, trong đó âm nhạc là yếu tố vô cùng quan trọng. Có nghệ sĩ vẫn sử dụng nền nhạc truyền thống nhưng có nghệ sĩ dám bứt phá, sử dụng âm nhạc hiện đại phù hợp với giới trẻ khiến người xem thích thú. “Nghệ sĩ ảo thuật có thể biểu diễn ở bất cứ đâu nhưng khi đã lên sân khấu phải thể hiện sự chuyên nghiệp. Tại TP.HCM hiện nay lực lượng nghệ sĩ ảo thuật trẻ khá lớn nhưng chưa có “tiếng nói” chung. Do vậy, chúng ta phải làm sao để các bạn có nhiều sân chơi. Các nhà quản lý, doanh nghiệp nên đồng hành tạo điều kiện cho lực lượng ảo thuật trẻ để họ có cơ hội thể hiện bản thân và chinh phục khán giả”, ông Thắng nêu quan điểm.
Các cơ quan liên quan cần tạo điều kiện để nghệ sĩ ảo thuật trẻ thể hiện tài năng
Nghệ sĩ ảo thuật Linh Sang (thuộc Đoàn xiếc Tuổi trẻ) cho hay, việc tiết mục ảo thuật thu hút khán giả hay không một phần do yếu tố nội dung. Có lần tôi chứng kiến một ảo thuật gia biểu diễn tiết mục “Anh nông dân vui tính và cô gái mồ côi”. Xem biểu diễn ảo thuật mà tôi thấy khán giả khóc. Điều này cho thấy, ngoài việc làm sao để tiết mục mới mẻ cần đưa tính chất dân gian, dân tộc vào và thể hiện theo cách riêng của từng nghệ sĩ. Chúng ta không nên bắt chước người khác vì như vậy khán giả sẽ không thấy được điểm mới của ảo thuật và dễ bị lãng quên. Chúng ta phải biết khi lên sân khấu mình làm gì, diễn cái gì để không giống đồng nghiệp”.
Đầu tư cho nghệ sĩ trẻ
Chia sẻ về những khó khăn đối với nghệ sĩ ảo thuật hiện nay, ông Đoàn Minh Quang (Chủ nhiệm CLB Ảo thuật Tiền Giang) cho biết, trải qua 50 năm làm nghề ảo thuật nhưng ông chưa phát hiện nơi đào tạo bài bản và cấp bằng ảo thuật như những ngành nghề khác. Điều đó đã khiến lực lượng ảo thuật trẻ không có người dẫn dắt, định hướng. “Mong muốn của tôi là có nhiều tọa đàm, lớp tập huấn để định hướng kỹ năng ảo thuật cho các bạn trẻ. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan có thể mời ảo thuật gia từ nước ngoài về một nơi nào đó như TP.HCM để huấn luyện, đào tạo cho các bạn ảo thuật trẻ. Như vậy, lực lượng ảo thuật trẻ sẽ nâng cao kỹ năng để phục vụ khán giả ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, các đơn vị liên quan nên cấp giấy chứng nhận để nghệ sĩ ảo thuật được gắn với một cơ quan nào đó, có chế độ, biên chế để họ an tâm cống hiến”, ông Quang góp ý.
Nghệ sĩ ảo thuật Linh Sang (thuộc Đoàn xiếc Tuổi trẻ) cho hay, việc tiết mục ảo thuật thu hút khán giả hay không một phần do yếu tố nội dung. Có lần tôi chứng kiến một ảo thuật gia biểu diễn tiết mục “Anh nông dân vui tính và cô gái mồ côi”. Xem biểu diễn ảo thuật mà tôi thấy khán giả khóc. Điều này cho thấy, ngoài việc làm sao để tiết mục mới mẻ cần đưa tính chất dân gian, dân tộc vào và thể hiện theo cách riêng của từng nghệ sĩ. Chúng ta không nên bắt chước người khác vì như vậy khán giả sẽ không thấy được điểm mới của ảo thuật và dễ bị lãng quên. Chúng ta phải biết khi lên sân khấu mình làm gì, diễn cái gì để không giống đồng nghiệp”. |
Ảo thuật gia Alibaba (thuộc CLB Ảo thuật TP.HCM) cho rằng, để nghệ sĩ ảo thuật phát huy tài năng, có những tiết mục độc đáo, hấp dẫn phục vụ khán giả thì sân khấu biểu diễn là yếu tố rất quan trọng. Vì đã có nhiều nghệ sĩ ảo thuật có những trò hay nhưng vì sân khấu không phù hợp nên đành hủy bỏ để thay tiết mục khác. “Sân khấu ảo thuật có thể tận dụng để biểu diễn loại hình nghệ thuật khác nhưng sân khấu của loại hình nghệ thuật khác chưa chắc biểu diễn được ảo thuật. Tuy nhiên, việc xây dựng sân khấu mới, lớn lại phải tốn chi phí và không dàn trải ở các tỉnh, thành. Vì vậy, mỗi địa phương có thể tự xây dựng sân khấu ảo thuật phù hợp hoặc có thể sử dụng lại sân khấu sẵn có ở các nhà hát, trung tâm văn hóa… sau đó chỉnh trang lại phù hợp cho nghệ sĩ ảo thuật biểu diễn”, ảo thuật gia Alibaba đề nghị.
Thúy Kiều
Bình luận (0)