Ngày hội xuống đồng bắt đầu một vụ mùa mới với người nông dân ở phường Cẩm Châu (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống về nền lúa nước nông nghiệp mà còn mở ra cơ hội để vẽ nên bức tranh du lịch kết hợp với sản xuất nông nghiệp.
Du khách trải nghiệm công việc làm ruộng ở Cẩm Châu
Giữ truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước
Đầu tháng 1-2024, giữa tiết trời lâm thâm mưa bụi, người dân miền Trung đang hối hả ra đồng để bắt đầu một vụ mùa mới. Ở phường Cẩm Châu, đó cũng là thời điểm thật đặc biệt về điểm khởi đầu một vụ mùa với ước mong mưa thuận, gió hòa. Trong ký ức của người Cẩm Châu đi xa, cận Tết Nguyên đán bao giờ cũng là khoảng thời gian nhiều kỷ niệm với những buổi tất bật trên đồng, cày, cuốc, tát nước, gieo cấy… Công việc ấy dường như có phần hối hả hơn thường lệ, hối hả đón Tết và hối hả hy vọng cho một vụ mùa tiết trời êm ả, cây cối bội thu.
Ông Nguyễn Chánh – một nông dân ở Cẩm Châu chia sẻ: “Ngày hội xuống đồng là nét đẹp truyền thống của người Cẩm Châu hàng bao đời nay. Lễ hội thường được tổ chức thời điểm cuối năm – cũng là thời điểm người dân bắt đầu xuống giống lúa gieo sạ và trồng hoa màu. Lễ hội nhằm biểu thị lòng biết ơn của bà con nông dân đối với các vị thần đã cho những vụ mùa bội thu. Đồng thời, cũng là dịp bà con nông dân trong phường, xã giao lưu, chia sẻ cùng nhau về kiến thức canh tác nông nghiệp, tham gia các sân chơi vui vẻ để tạo không khí phấn khởi cho lao động sản xuất”.
Người dân Cẩm Châu trong ngày hội xuống đồng
Có mặt từ rất sớm, bà Lê Thị Hoa nở nụ cười tươi chuẩn bị tham gia công việc tát nước, cấy lúa. “Cũng như nhiều công việc khác, những công việc đồng áng cũng cần có kỹ thuật để làm việc được thành thạo. Làm nông tuy vất vả nhưng đổi lại sẽ có nhiều niềm vui trong ngày thu hoạch thành quả của mình. Bây giờ làm nông còn vui hơn vì ngoài canh tác sản xuất để đợi mùa thu hoạch, bà con còn được chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm. Tôi rất tự hào khi được chia sẻ công việc nhà nông với du khách muôn nơi”, bà Hoa vui vẻ cho biết.
Ngày hội xuống đồng của bà con nông dân phường Cẩm Châu bao gồm nhiều hoạt động văn hóa như: Lễ cúng Thần nông, trình diễn trâu cày ruộng, cày bằng máy móc cơ giới, tát nước gàu sòng, nhà nông thi cấy lúa… Đây là nghi thức không thể thiếu trong đời sống người nông dân gắn với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước. Qua thời gian với nhiều biến thiên của thời cuộc, người Cẩm Châu vẫn duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống này vừa nhằm tạo tinh thần đoàn kết trong người dân và chung tay gìn giữ nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Đưa hoạt động lễ hội định kỳ hằng năm
Vài năm nay, lễ hội xuống đồng của bà con nông dân Cẩm Châu thu hút thêm nhiều khách du lịch quan tâm. Cùng với việc đổi mới để du khách cùng tham gia trải nghiệm việc đồng áng mở ra cơ hội liên kết giữa nông nghiệp và du lịch. Bầu không khí ngày hội diễn ra sôi nổi, hào hứng với sự trải nghiệm của đông đảo du khách tham quan. Trên đồng ruộng, hình ảnh những du khách đến từ khắp nơi trên thế giới hăng say với các công việc cấy lúa, tát nước.
Lóng ngóng cầm dây gàu sòng để trải nghiệm việc tát nước của nhà nông, ông Matteo đến từ Italia vui vẻ nói: “Đây là lần thứ 2 tôi trở lại Hội An. Tôi đã đi nhiều nơi nhưng Hội An vẫn là điểm đến tôi thích. Tôi cũng đặc biệt thích ngắm nhìn hình ảnh người nông dân làm việc trên đồng ruộng. Ở họ toát lên vẻ đẹp, thanh bình. Hôm nay tôi rất vui vì được bà con hướng dẫn cách tát nước, cảm giác rất tuyệt”.
Bà Melania – một du khách đến từ Tây Ban Nha chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Hội An tham quan du lịch. Tôi rất thích bầu không khí của phố cổ Hội An với các hoạt động văn hóa như hát bài chòi, du thuyền trên sông Hoài… Đây cũng là lần đầu tiên tôi tự tay cấy lúa cùng bà con nông dân Cẩm Châu. Tôi rất thích và nhất định sẽ giới thiệu với bạn bè về những điều tuyệt vời ở Hội An khi họ có dịp đi thăm thú nơi đây”. |
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Năm 2024, UBND thành phố đã thống nhất đưa hoạt động Lễ hội xuống đồng của phường Cẩm Châu vào danh mục sự kiện, lễ hội định kỳ hằng năm. Qua đó nhằm phát huy tốt giá trị, ý nghĩa ngày hội, từng bước xây dựng thành sản phẩm văn hóa du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, góp phần quảng bá hình ảnh, giới thiệu về nông nghiệp trồng lúa nước truyền thống của Hội An nói chung và bà con nông dân Cẩm Châu nói riêng, góp phần tạo thêm một điểm đến, một sản phẩm du lịch xanh trên địa bàn”.
Cũng theo ông Lanh, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với khai thác có hiệu quả giá trị tài nguyên sinh thái, phát huy tiềm năng du lịch, chính quyền Hội An rất chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông khớp nối, tôn tạo cảnh quan ruộng đồng, phát triển các dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp, bước đầu hình thành nên bức tranh du lịch kết hợp với sản xuất nông nghiệp.
Mới đây, TP.Hội An chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Nhắc đến Hội An, du khách nhớ ngay đến làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà… Điều này góp phần tạo thêm sức hút để khách du lịch quan tâm, lựa chọn. Du lịch xanh với không gian trải nghiệm đa dạng về văn hóa địa phương được xem là thế mạnh của Hội An. Một điểm đến có không gian với nhiều làng nghề truyền thống, những cung đường thong dong xe đạp qua đồng lúc ngát hương thơm. Thanh bình và trầm mặc nhưng không hề lạc điệu! Nhờ sự liên kết du lịch và nông nghiệp, người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng của mình bây giờ không chỉ thu về hạt lúa, củ khoai mà còn tự hào giới thiệu nét đẹp quê hương với du khách muôn nơi. Văn hóa truyền thống nhờ đó sống mãi.
Hàn Giang
Bình luận (0)