Sáng qua 28.3, có tổng số 68.385 thí sinh đã tham gia đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, chiếm 97,94% tổng số thí sinh đăng ký dự thi, tăng vọt so với năm 2020.
Thí sinh tham gia dự thi đánh giá năng lực tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Dịch Covid-19 bớt căng thẳng nên ít thí sinh bỏ thi
Trao đổi với PV, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 được tổ chức vào sáng 28.3 tại TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), với số thí sinh (TS) tham gia kỳ thi là 68.385, đạt 97,94% trên tổng số 69.826 TS đăng ký dự thi. Trong khi đó, năm ngoái có 53.000 TS đăng ký dự thi thì chỉ có 23.000 TS đi thi.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, kết quả thi đợt 1 dự kiến công bố vào khoảng một tuần sau khi thi.
Ở đợt 2, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 4.5 – 4.6 và dự kiến tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng một tuần, tại 4 địa phương TP.HCM, An Giang, Nha Trang (Khánh Hòa) và Đà Nẵng. Kết quả của đợt 2 cũng sẽ được công bố một tuần sau khi thi.
|
Khi nào biết kết quả thi?
"Sở dĩ năm nay số lượng TS đi thi tăng vọt so với năm 2020 là do kỳ thi được tổ chức sớm hơn, dịch Covid-19 cũng đang được kiểm soát rất tốt. Hơn nữa, sau lần đầu tổ chức vào năm 2018, kỳ thi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và sự tin tưởng của xã hội. Ngoài các trường ĐH thành viên, ban đầu từ 24 trường ĐH, CĐ ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh, đến nay con số đã tăng gần gấp 3 lần. Hiện đã có hơn 70 trường xét tuyển bằng kết quả kỳ thi này. Vì thế, TS đi thi cũng đông hơn”, tiến sĩ Chính lý giải.
Tuy nhiên, dù dịch Covid-19 đã bớt căng thẳng, nhưng kỳ thi vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về phòng chống dịch. Trước đó, toàn bộ gần 70.000 TS đã phải khai báo trực tuyến các thông tin về tình hình sức khỏe, lịch sử di chuyển và tiếp xúc trên trang thông tin điện tử của kỳ thi. Tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (Q.10), tất cả cán bộ coi thi và TS vào địa điểm thi đều phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – một địa điểm thi năm nay, cũng chia sẻ: "Năm trước kỳ thi bị lùi do dịch Covid-19, và diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, nhiều em có mức điểm cao, hoặc đã trúng tuyển bằng phương thức học bạ, nên tại điểm thi của trường chỉ có gần 50% TS đến thi. Nhưng năm nay TS thi đông, hơn 98% tại điểm thi của trường, rất có thể tỷ lệ chọi bằng phương thức này sẽ cao hơn nếu như chỉ tiêu không tăng".
Điểm chuẩn có tăng?
Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay năm 2020, trường dành 70% (3.500) chỉ tiêu cho kết quả thi đánh giá năng lực, nhưng chỉ gọi được khoảng 45% và cuối cùng nhập học là 30% (1.500 TS). Mức điểm chuẩn cao nhất vào trường bằng điểm đánh giá năng lực rơi vào ngành khoa học máy tính, 907 điểm và thấp nhất là ngành kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường – 702 điểm.
Một thí sinh đi thi với thông tin cá nhân không có trong dữ liệu
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho biết tại điểm thi của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ở cơ sở Linh Trung đã phát hiện một TS nữ đến phòng thi trễ với giấy tờ thi không hợp lệ. Theo đó, khi giám thị kiểm tra giấy tờ thì tên, mã số, số chứng minh nhân dân của TS này không có trên dữ liệu của kỳ thi. Trong khi đó, số báo danh lại trùng với một TS khác. TS này lập tức được đưa sang một phòng riêng để đợi làm rõ. "Sau khi nghe báo cáo, chúng tôi đã giao cho an ninh điểm thi tìm hiểu nguyên nhân sự việc", tiến sĩ Chính cho biết.
|
“Nhưng năm nay số lượng TS thi đông có thể sẽ tác động đến lượng hồ sơ đăng ký vào các trường, trong đó có trường Bách khoa, và có thể tác động tới điểm chuẩn. Trường vẫn dành 70% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này”, tiến sĩ Phúc nói. Trong số các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM thì Trường ĐH Bách khoa dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển điểm đánh giá năng lực nhất. Kế đến là ĐH Khoa học xã hội và nhân văn với 50% chỉ tiêu.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cũng nhìn nhận có khả năng một số nhóm ngành ở các trường trong khối ĐH Quốc gia sẽ có tỷ lệ chọi cao và điểm chuẩn cao hơn. Tuy nhiên, ở những ngành có chỉ tiêu tăng so với năm trước thì điểm chuẩn sẽ không thay đổi nhiều.
Trong khi đó, các trường ngoài khối ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ dành khoảng 10 – 15% chỉ tiêu cho phương thức này. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin: "Đây là lần thứ 2 trường xét điểm đánh giá năng lực, với điểm nhận hồ sơ là 600. Năm 2020, tỷ lệ TS nhập học bằng phương thức này cũng khá cao. Với tối đa 15% chỉ tiêu, tôi cho rằng nếu số lượng TS nộp đông hơn năm trước thì khả năng điểm chuẩn sẽ tăng. Trường xem đây là một phương thức xét tuyển quan trọng trong tương lai vì cách kiểm tra kiến thức của TS rất phù hợp với việc học ĐH".
Sau một năm nhận hồ sơ bằng điểm thi này, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM quyết định năm nay giảm chỉ tiêu từ 10% xuống còn 5% do TS chủ yếu nộp vào trường bằng điểm tốt nghiệp THPT và học bạ. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh – truyền thông, cho biết trường sẽ nhận mức điểm từ 650. Năm ngoái, điểm chuẩn các ngành đều là 650, chỉ ngành công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh là có điểm trúng tuyển 700. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cũng thông tin trường dành 10% (800) chỉ tiêu để xét điểm đánh giá năng lực với điểm dự kiến là 650. "Trong trường hợp đông TS nộp hồ sơ thì trường sẽ tăng chỉ tiêu ở phương thức này và giảm chỉ tiêu ở phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT", tiến sĩ Nhân cho biết thêm.
Theo Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)