Học sinh Trường THPT Hiệp Bình thắp hương trong lễ Giỗ tổ |
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến dâng bánh lên bàn thờ tổ |
Những ngày này, nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM đã tổ chức trang trọng Giỗ Quốc tổ Hùng Vương. Đây là một trong những hoạt động được Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai nhân rộng trong năm học này.
Tại Trường THPT Hiệp Bình, lễ Giỗ tổ được tổ chức vào sáng thứ hai đầu tuần. Bà Võ Thị Bình Minh (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết trước đó, trường đã phổ biến cho học sinh trong trường để các em tự chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ. Đến ngày giỗ, mỗi lớp một mâm cỗ được đại diện lớp bưng lên bàn thờ tổ. 41 lớp là 41 mâm cỗ với đầy đủ các lễ vật như bánh chưng, bánh dầy, xôi gà, trái cây… Phần lễ được bắt đầu từ bài văn tế giỗ tổ được thực hiện bởi một phụ huynh trong trường. Sau bài văn tế, đại diện nhà trường lên dâng hương trong lời khấn được thực hiện bởi một giáo viên dạy môn văn, trong đó có đoạn “Tri ân tổ xưa đã gây dựng sơn hà, xác lập dãy đất phương Nam cho con cháu đời sau. Nay chúng con đây, thầy trò cùng gắng sức, cùng hơn 90 triệu con dân nước Việt nguyện bồi đắp cơ đồ, chung lưng đấu cật, nung chí quật cường thề giữ vững giang sơn gấm vóc mà Quốc tổ cùng Tổ mẹ Âu Cơ đã mang lại cho con cháu chúng con…”. Sau phần lễ, phần hội diễn ra rất sôi động với các tiết mục tái hiện lịch sử, văn hóa cổ truyền của dân tộc như múa võ cổ truyền Vovinam trên nền nhạc bài hát Dòng máu Lạc Hồng do các thành viên trong Câu lạc bộ Võ cổ truyền thực hiện, hát và trình diễn trang phục áo dài do giáo viên trong trường biểu diễn… Sau lễ Giỗ tổ, các lớp được mang mâm cỗ của mình về lớp để cùng chung vui.
Học sinh Trường THPT Hùng Vương diễn tập chuẩn bị cho lễ Giỗ tổ diễn ra sáng nay (15-4) |
Các thành viên trong Câu lạc bộ Võ cổ truyền Trường THPT Hiệp Bình biểu diễn trên nền nhạc bài hát Dòng máu Lạc Hồng |
Cùng ngày, Trường THPT Võ Thị Sáu cũng tổ chức cho học sinh trong trường dâng lên bàn thờ tổ nhiều lễ vật mang đậm đặc trưng của văn hóa ẩm thực Việt như bánh chưng, bánh dầy, bánh ú, bánh ít… Tương tự, hai trường THPT Nguyễn Hữu Thọ và THPT Trần Hưng Đạo cũng tổ chức lễ Giỗ tổ với những bài học về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cùng lời nhắc nhở học sinh phấn đấu học hành tốt để bảo vệ và xây dựng đất nước.
Sưu tầm hình ảnh các thời đại vua Hùng Ngày 15-4, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch) nhằm ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của các vua Hùng, qua đó giáo dục học sinh, sinh viên hướng về cội nguồn của dân tộc, thể hiện lòng tự hào và biết ơn công lao của các vua Hùng. Trong khuôn khổ ngày hội, học sinh, sinh viên và giảng viên nhà trường còn tham gia sưu tầm hình ảnh các thời đại vua Hùng, gợi nhắc lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc… M.Tâm |
Hôm nay (15-4), lễ Giỗ Quốc tổ tại Trường THPT Hùng Vương – đơn vị nhiều năm được Sở GD-ĐT chọn tổ chức lễ Giỗ tổ của ngành GD-ĐT TP.HCM – có sự tham dự của lãnh đạo UBND TP cùng đại diện các sở, ban ngành… Ông Lê Văn Thắng (Trợ lý thanh niên Trường THPT Hùng Vương) cho biết để tổ chức buổi lễ thật trang trọng, trường đã huy động hơn 500 học sinh phục vụ cho các công tác chuẩn bị, biểu diễn hoạt cảnh trong suốt buổi lễ. Trước đó, trường đã cho học sinh hai khối 10 và 11 gói bánh chưng để dâng lên bàn thờ tổ, tặng các đại biểu tham dự và để lại một phần để các lớp chung vui. Năm nay, phần lễ được sân khấu hóa, tái hiện truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, thời đại Hùng Vương với các nhân vật Mai An Tiêm (sự tích quả dưa hấu), Lang Liêu (sự tích bánh chưng – bánh dầy) cùng các nhân vật Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Sơn Tinh – Thủy Tinh… Tiếp đó, hơn 100 học sinh cùng biểu diễn sắc phục các dân tộc Việt Nam với những màu sắc, đường nét, kiểu dáng đa dạng. Sau phần văn tế, dâng hương, phần hội được bắt đầu với những câu chuyện xuyên suốt từ thời đại Hùng Vương cho đến ngày nay với các tiết mục văn nghệ được minh họa bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, phần biểu diễn võ thuật cổ truyền năm nay thực hiện trên nền nhạc bài hát Nơi đảo xa và được xây dựng thành một câu chuyện cảm động về hình ảnh người lính làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi tuyến đầu ngọn sóng. Đó là câu chuyện về một người lính trẻ, có vợ ở nhà làm hậu phương vững chắc, chăm sóc mẹ già, nuôi nấng những đứa con. Chẳng may, người lính hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, người vợ ở nhà vẫn tiếp tục nuôi con khôn lớn để đứa con tiếp tục nối gót cha bảo vệ Tổ quốc mình… Tiếp đó, các đại biểu và học sinh trong trường được mãn nhãn với các màn biểu diễn võ thuật Vovinam như song đấu, tam đấu, tứ đấu do các em từng giành huy chương tại các giải đấu trong nước và quốc tế thực hiện…
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Bình luận (0)