Hội nhậpThế giới 24h

Khi Indonesia tăng cường hữu hảo với Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các chuyên gia quốc tế, việc Indonesia gần đây có nhiều động thái tăng cường hợp tác với Mỹ và đồng minh thể hiện những thay đổi nhất định trong chiến lược đối ngoại của Jakarta dù mục tiêu sau cùng không thay đổi.

Tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã có chuyến công du đến Mỹ và hội đàm với người đồng cấp sở tại Lloyd Austin.

Khi Indonesia tăng cường hữu hảo với Mỹ  - Ảnh 1.

Phái đoàn Indonesia do Bộ trưởng Prabowo Subianto dẫn đầu đến thăm cơ sở sản xuất chiến đấu cơ F-15EX tại Mỹ. AFP

Trong thông cáo chung sau cuộc gặp, hai bên cùng khẳng định tăng cường hợp tác quan hệ quân sự song phương, đồng thời chỉ trích những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không phù hợp luật pháp quốc tế. Cũng trong chuyến đi này, Indonesia đạt thỏa thuận mua 24 chiến đấu cơ F-15 cùng nhiều khí tài khác từ Mỹ để nâng cấp lực lượng không quân Indonesia.

Đây là diễn biến mới nhất sau loạt động thái của Jakarta trong việc tăng cường quan hệ với Washington và các đồng minh. Hồi tháng 5, trả lời phỏng vấn tờ The Strait Times, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã mô tả ASEAN nên xem nhóm AUKUS (Mỹ – Anh – Úc) và "Bộ tứ" (Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ) là đối tác. Trong chuyến công du Úc vào tháng trước, Tổng thống Widodo đã xúc tiến sự hợp tác song phương về lĩnh vực ô tô điện – vốn đang có sự "chia phe" giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh.

Bước chuyển mới ?

Trả lời Thanh Niên ngày 28.8, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản; học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore) cho rằng lâu nay, Indonesia duy trì chiến lược phòng ngừa rủi ro bằng cách hạn chế bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh Mỹ – Trung, đồng thời tăng cường tham gia định hướng chung cho ASEAN.

"Indonesia đã tích cực đóng góp hình thành lập trường ASEAN thống nhất dưới hình thức Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP), nhằm cố gắng duy trì hợp tác kinh tế của khu vực với Trung Quốc trong khi đảm bảo mức độ căng thẳng tối thiểu", GS Sato phân tích và cho rằng Jakarta vẫn muốn có sự can dự của Washington về an ninh trong khu vực để cân bằng.

Indonesia cũng cố gắng thu được lợi ích kinh tế tối đa từ cả Nhật Bản và Trung Quốc bằng cách để 2 nước này cạnh tranh trong các dự án viện trợ cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Jakarta cũng tiếp nhận sự hỗ trợ của Tokyo để phát triển năng lực của Indonesia về an ninh quân sự. Indonesia cũng tiếp nhận hỗ trợ an ninh của Mỹ, nhưng không sẵn sàng thỏa hiệp về các lợi ích hàng hải quan trọng.

Tuy nhiên, GS Sato cho rằng: "Những hoạt động liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông và các hành động xâm nhập vào khu vực mà Indonesia xem là vùng đặc quyền kinh tế của Quần đảo Natuna đã dần dần thay đổi chính sách của Jakarta. Indonesia theo hướng hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với các thành viên "Bộ tứ". Thất vọng với những hứa hẹn trong sáng kiến Vành đai – Con đường cũng là lý do khác khiến Indonesia thay đổi". Bên cạnh đó, theo GS Sato, còn có thêm lý do khác bắt nguồn từ một số thành viên ASEAN nên Indonesia tăng cường hơn nữa hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á ven biển như Malaysia, Singapore, VN, Brunei và Philippines. Xa hơn, Jakarta cũng hướng đến các thành viên của "Bộ tứ" nhưng không hình thành liên minh.

Tận dụng cơ hội để cân bằng

Tuy nhiên, GS Sato cũng nhận định: "Sức hút từ Trung Quốc và Nga hướng tới nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) mở rộng cũng nằm trong lựa chọn của Indonesia. BRICS vừa bổ sung thêm 6 thành viên, dù chưa nằm trong số này nhưng việc Indonesia tham dự hội nghị G20 trong tháng 9 sẽ là cơ hội để Nga và Trung Quốc tranh thủ nhằm tạo ra sự chia rẽ giữa phương Tây với các nước phía nam bán cầu".

Chiến hạm lớn nhất của Nhật tập trận ở Biển Đông

Đài NHK hôm qua đưa tin khu trục hạm chở trực thăng JS Izumo, chiến hạm lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF), đã tham gia cuộc tập trận chung với các tàu hải quân của Mỹ, Úc và Philippines ở Biển Đông vào ngày 24.8. Có 6 tàu lớn của 4 nước tham gia cuộc tập trận chung, diễn ra ở ngoài khơi tỉnh Zambales thuộc phía bắc Philippines, theo JMSDF.

Sau cuộc tập trận, tàu JS Izumo ngày 27.8 bắt đầu chuyến thăm đầu tiên tới cảng ở thủ đô Manila của Philippines. Tại lễ đánh dấu chuyến thăm kéo dài 5 ngày của tàu JS Izumo, Tổng tư lệnh Hạm đội Phòng vệ Nhật Bản Saito Akira cho rằng Trung Quốc đang có nhiều hoạt động gây căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh cuộc tập trận chung nói trên góp phần mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực.

Cũng theo NHK, 2 chiếc máy bay chiến đấu F-35 của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) đến căn cứ không quân hoàng gia Úc Tindal vào ngày 26.8, đánh dấu lần đầu tiên JASDF triển khai F-35 ra nước ngoài. Dự kiến hôm nay (29.8), 2 máy bay F-35 của JASDF cùng với 6 chiếc F-35 của Úc sẽ trở lại Nhật để tập trận chung.

Văn Khoa

Tương tự, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá: "Indonesia tiếp tục cố gắng cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Washington theo những cách riêng biệt nhưng có ý nghĩa".

Indonesia cũng tham gia các cuộc tập trận quân sự chung quy mô nhỏ để duy trì mối quan hệ với Trung Quốc, đồng thời tham gia một cuộc tập trận lớn hơn và toàn diện hơn nhiều với Mỹ và các đối tác như Úc. Indonesia tiếp tục cử quân đội và giới tinh hoa chính trị của mình tới Mỹ để huấn luyện.

"Indonesia vẫn cam kết đảm bảo quyền tự chủ chiến lược thông qua ASEAN và cam kết có hiệu quả với Trung Quốc và Mỹ để quản lý sự hợp tác trong mối quan hệ của họ với Trung Quốc", GS Nagy kết luận. 

Theo Hoàng Đình/TNO

 

Bình luận (0)