Nguồn lực và chỗ dựa quan trọng nhất của ngành giáo dục chính là các nhà giáo. Với giáo dục ĐH, các nhà khoa học còn là nguồn lực, niềm tự hào và là chỗ dựa của quốc gia. Vì lẽ đó, Bộ GD-ĐT đang từng bước cố gắng phát triển đội ngũ nhà giáo, đội ngũ cán bộ khoa học.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh điều này tại sự kiện gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục cả nước vừa qua.
Nhà giáo là chỗ dựa quan trọng nhất của ngành
Bộ trưởng nhận định, giáo dục phổ thông là giáo dục con người, tạo ra các công dân có năng lực, phẩm chất tốt, làm nền tảng cho việc phát triển nhân lực chất lượng cao. Còn giáo dục ĐH cho thấy tầm cao và chiều sâu của nền giáo dục; thể hiện tầm vóc, trí tuệ, con người của đất nước; thể hiện trình độ của đội ngũ trí thức, trình độ khoa học – công nghệ và biểu hiện của sự sở hữu nhân tài đất nước đó. Không có quốc gia nào phát triển mà không cần tới nền giáo dục ĐH phát triển.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, phát triển giáo dục ĐH là một bài toán khó, phức tạp, lâu dài và nhiều thách thức so với giáo dục phổ thông. Là một phần của nền giáo dục, giáo dục ĐH nước ta cũng đang trong thời kỳ chuyển đổi về mô hình, cách thức tổ chức quản trị; hình thức quản lý Nhà nước; hoạt động, phương pháp dạy – học; cơ cấu ngành nghề, sử dụng nguồn lực… Bên cạnh đó, vấn đề mới đặt ra là các trường ĐH phải đóng vai trò là động lực của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp… “Càng đi vào thời hiện đại, trách nhiệm của các trường ĐH càng lớn. Khi giáo dục là quốc sách, là một đột phá chiến lược thì giáo dục ĐH chính là mũi nhọn của đột phá chiến lược đó” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng một lần nữa nhắc lại quan điểm của Bộ GD-ĐT rằng nguồn lực và chỗ dựa quan trọng nhất của ngành chính là các nhà giáo. Đối với giáo dục ĐH, các nhà khoa học không chỉ là chỗ dựa của ngành mà còn là nguồn lực, niềm tự hào và là chỗ dựa của quốc gia. Do vậy, chăm sóc, phát triển đội ngũ các nhà khoa học là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Bộ GD-ĐT. Bộ đang từng bước cố gắng làm mọi việc để phát triển đội ngũ nhà giáo, đội ngũ cán bộ khoa học.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết Nghị quyết 27 về phát triển đội ngũ trí thức. Tại đây, ngành giáo dục cũng có những ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của bồi dưỡng, phát triển đội ngũ trí thức, đặc biệt là vấn đề phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Trong đó, việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài trước tiên phải nhắc đến vai trò, trách nhiệm của các trường ĐH.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mong các nhà giáo, đặc biệt các chuyên gia khối ngành luật cùng tham gia triển khai xây dựng Luật Nhà giáo nhằm tạo cơ sở pháp lý triển khai các chính sách đặc biệt đối với nhà giáo; nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo. Theo Bộ trưởng, sẽ cần triển khai những chính sách đặc thù để phát triển các khối khoa học cơ bản, khối sư phạm, khối lĩnh vực mũi nhọn mà quốc gia có nhu cầu ở hiện tại và cả tương lai. |
Theo Bộ trưởng, thời điểm này, ngành giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng đã và đang nhận được những kết quả quan trọng. Hiện giáo dục ĐH đã có những bước phát triển tích cực cả quy mô lẫn chất lượng. So với 10 năm trước, số lượng sinh viên tăng xấp xỉ 40%. Cả nước hiện có khoảng 2,1 triệu sinh viên ĐH và 120 nghìn học viên sau ĐH. Các số liệu thống kê, khảo sát sinh viên tốt nghiệp có việc làm của các cơ sở giáo dục ĐH cũng cho thấy sự cải thiện chất lượng trên diện rộng. Cũng so với 10 năm trước, số lượng giảng viên tăng khoảng 30%. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng hơn 2 lần, hiện nay đã đạt xấp xỉ 32%, song so với các quốc gia Đông Nam Á, chỉ số này còn rất thấp. Ở một số quốc gia Đông Nam Á, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đã đạt khoảng 50% trở lên. Số công bố khoa học quốc tế/giảng viên tăng gần 5 lần so với 10 năm trước tuy nhiên so với bình quân trên đầu người thì vẫn còn khá thấp.
Nhìn lại 10 năm thì ngành giáo dục đã có bước phát triển rất dài, tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trước yêu cầu của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao, yêu cầu của phát triển khoa học – công nghệ và kỹ thuật thì tốc độ phát triển đó vẫn chưa đáp ứng được. “Nếu như chúng ta không cùng nhau tháo gỡ những điểm nghẽn, đẩy tốc độ phát triển của giáo dục ĐH nhanh, mạnh và bền vững hơn thì một là chúng ta bị chậm lại trong tốc độ phát triển; hai là sẽ rất khó khăn đạt đến đỉnh cao của một số trường, một số ngành nghề cũng như chất lượng đào tạo” – Bộ trưởng nêu dự báo.
Tiếp tục phát triển đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học đầu ngành
Thời gian tới, Bộ trưởng cho hay, ngành giáo dục có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, cần sớm hoàn thành việc quy hoạch và sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục; cần đổi mới hệ thống quản trị ĐH theo cơ chế tự chủ; tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia để làm hạt nhân hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất cho hệ thống các trường ĐH, cần có sự cải thiện về nguồn tài chính và ngân sách cho giáo dục ĐH.
Bộ cũng sẽ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện, mở đường, làm căn cứ cho việc đổi mới giáo dục nói chung và việc thực hiện tự chủ ĐH theo chiều sâu trong thời gian tới; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển mô hình giáo dục ĐH số, đào tạo giáo viên hệ sư phạm…
Bộ trưởng kỳ vọng và đề nghị các nhà giáo, nhà khoa học cùng làm tốt một số việc trong thời gian tới. Thứ nhất, việc tự chủ ĐH cần được đẩy mạnh tới khoa, tới giảng viên, nhà khoa học chứ không chỉ dừng ở hội đồng trường, cấp quản lý. Thứ hai, phát triển khoa học kỹ thuật – công nghệ, đặc biệt là các khoa học cơ bản và khoa học công nghệ mũi nhọn để cải thiện chất lượng giáo dục. Công bố quốc tế cũng rất quan trọng nhưng theo Bộ trưởng, rất cần những công trình giải quyết được những vấn đề “nóng” của đất nước, những ứng dụng để giải quyết các vấn đề của thực tiễn, tư vấn chính sách… Giáo dục phổ thông đang đổi mới, đang đối mặt với nhiều khó khăn, các nhà giáo, nhà khoa học cần tham gia vào xây dựng chính sách, đào tạo giáo viên và trong việc tư vấn giải pháp cho bộ.
Để chăm lo cho lực lượng nhà giáo trong thời gian tới, một trong những việc Bộ GD-ĐT sẽ làm là sớm tháo gỡ khó khăn để mở đường cho tự chủ ĐH phát triển mạnh mẽ, trước mắt đang sửa Nghị định 99 và sớm điều chỉnh Luật 34. Bộ sẽ nghiên cứu gia tăng các chính sách để có thể giải phóng các nguồn lực; phát triển lực lượng giảng viên thông qua nhiều đề án, chương trình hợp tác; phát triển các nhóm nghiên cứu, hỗ trợ những nhà khoa học trẻ và tiềm năng.
Mê Tâm
Bình luận (0)