Vở opera Công nữ Anio và truyện tranh cùng tên vừa ra mắt. Trước đó từng có bộ truyện tranh Sơn, Goal! hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản. Những bộ truyện đã trở thành cầu nối văn hóa ý nghĩa, hợp tác hữu nghị giữa 2 quốc gia.
Chuyện tình nàng công nữ vượt đại dương
Công nữ Anio là công chúa Ngọc Hoa – con nuôi của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (Anio là tên nàng khi theo chồng sang Nhật Bản). Bộ truyện tranh gồm 2 tập, được thực hiện từ nguyên tác là vở opera Công nữ Anio, qua phần tranh minh họa của nữ họa sĩ Nhật Bản Higashimura Akiko (Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành). Cùng với vở opera (vừa công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội từ ngày 22 – 24/9, nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản), bộ truyện Công nữ Anio cũng được phát hành, trưng bày và giới thiệu với khán giả trước các đêm diễn cũng như được phát miễn phí đến nhiều địa phương, các tổ chức giáo dục tại Việt Nam và Nhật Bản.
Vở opera Công nữ Anio vừa được công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội – Nguồn ảnh: japanvietnam50.org
Bộ truyện có dung lượng ngắn. 2 tập gói gọn chỉ vài mươi trang nhưng bao quát được một giai đoạn lịch sử cũng như chuyện tình của nàng công nữ vượt đại dương. Cách đây hơn 400 năm, thương nhân người Nhật Araki Sotaro đã đến Hội An và gặp gỡ công chúa Ngọc Hoa. Họ đem lòng yêu thương nhau và kết hôn trong sự chúc phúc của toàn dân xứ Đàng Trong. Sau đó, công chúa Ngọc Hoa theo chồng đến sinh sống tại Nagasaki, Nhật Bản.
Cùng thời điểm, vở opera Công nữ Anio được công diễn tại Hà Nội có sự tham dự của vợ chồng hoàng thái tử Akishino. Sự kết hợp các thể loại để kể một câu chuyện lịch sử ý nghĩa mang đến cho khán giả, bạn đọc nhiều cảm xúc. Điều này cũng có ý nghĩa lớn trong việc chuyển tải các giá trị lịch sử – văn hóa, gắn kết hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Văn hoá Việt từ nét cọ xứ hoa anh đào
Trước Công nữ Anio, Nhà xuất bản Kim Đồng từng hợp tác với Nhà xuất bản Kadokawa (Nhật Bản) thực hiện bộ truyện tranh Sơn, Goal!. Tập đầu tiên phát hành hàng chục ngàn bản, được sự đón nhận và khen ngợi của các “fan” truyện tranh trong nước. Hiện Sơn, Goal! tập 2 cũng đã ra mắt. Bối cảnh truyện từ Đà Nẵng đến TPHCM, bên cạnh nội dung về bóng đá, họa sĩ Baba Tamio đã lồng ghép văn hóa Việt Nam qua cảnh quan, ẩm thực, sinh hoạt… Đặc biệt, trong tập 2 còn có thêm phần truyện “Mini Tour ẩm thực Sài thành”, cùng nhiều địa điểm quen thuộc của thành phố mang tên Bác. “Nội dung hay”, “được đầu tư về mặt hình ảnh”… là những nhận xét tích cực của bạn đọc dành cho bộ truyện.
Họa sĩ Baba Tamio khi đến TPHCM giao lưu, trò chuyện về Sơn, Goal! đã nói, ông vẽ bằng cái nhìn trong trẻo và mong muốn khám phá vẻ đẹp của cảnh quan, văn hóa Việt từ góc nhìn của một người nước ngoài. Ông vẽ cả bánh tráng trộn, những món ăn đường phố, những địa điểm gần gũi, bình dị với người Sài Gòn. Chính điều đó đã góp phần tạo thiện cảm cho bạn đọc. Với Công nữ Anio, họa sĩ Higashimura Akiko phác họa bối cảnh lịch sử miền Trung, Việt Nam thế kỷ XVII nhưng đồng thời có lời đề từ: “Tạo hình và trang phục của nhân vật được thể hiện theo sự sáng tạo của tác giả”. Điều này cho phép người đọc tiếp nhận câu chuyện với tâm thế cởi mở hơn.
Sơn, Goal! – bộ truyện hợp tác Việt – Nhật được bạn đọc trong nước đón nhận và khen ngợi
Lịch sử, văn hóa Việt xuất hiện trong truyện tranh qua nét cọ của họa sĩ xứ hoa anh đào như một luồng gió mới cho truyện tranh Việt. Sự kết hợp giữa phần lời – tranh giữa các tác giả – họa sĩ 2 nước cũng là một trong những điểm thu hút của các bộ truyện tranh hợp tác. Ở chiều ngược lại, bộ truyện tranh ehon Những người bạn của tác giả Aihara Hiroyuki được họa sĩ 9X Đốm Đốm minh họa với 2 phiên bản Việt – Nhật (phiên bản Nhật do Nhà xuất bản Sunny Side ấn hành). Việc hợp tác thực hiện các bộ truyện tranh giữa 2 quốc gia, bên cạnh ý nghĩa về giao lưu văn hóa còn cho thấy tiềm năng sáng tạo cũng như thị trường nhiều tín hiệu khởi sắc cho truyện tranh Việt.
Dấu ấn riêng của truyện tranh Việt Trên thị trường truyện tranh hiện nay, manga Nhật vẫn hoàn toàn chiếm ưu thế. Mỗi tập của các bộ truyện best-seller ra mắt đều thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc trẻ. Truyện tranh Việt dù ít gây chú ý hơn nhưng cũng đã tạo được những dấu ấn riêng. Đã có những bộ truyện tranh Việt ghi dấu tại giải thưởng quốc tế: Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm (họa sĩ Hoàng Tường Vy, Comicola và Nhà xuất bản Dân Trí, giải Đồng giải thưởng Manga quốc tế Nhật Bản lần thứ 16-2022). Trước đó, giải thưởng danh giá này cũng đã vinh danh bộ truyện Địa ngục môn (họa sĩ Can Tiểu Hy, giải Bạc năm 2017), Long thần tướng (Nguyễn Thành Phong – Nguyễn Khánh Dương, giải Bạc năm 2016) và Đất rồng (Đinh Việt Phương – Đỗ Như Trang – Lê Lam Viên, giải Đồng năm 2012). Mới đây, truyện tranh Mùa hè bất tận của Lâm Hoàng Trúc được phát hành tại Ý… |
Theo Lục Diệp/PNO
Bình luận (0)