Năm nay, TP.HCM tuyển dụng giáo viên với nhiều điểm mới, trong đó bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018 song không phân biệt bộ sách giáo khoa nào.
Năm nay, TP.HCM có nhiều điểm mới trong công tác tuyển dụng nhằm giải bài toán thiếu giáo viên
Công bằng, khách quan trong tuyển dụng
Hiện TP.HCM đang trong giai đoạn hoàn thành đợt tuyển dụng giáo viên vòng thi thực hành. Theo đó, có 496 ứng viên đủ điều kiện tham dự vòng này trong số gần 900 ứng viên dự thi vòng 1. Năm nay, tại hơn 100 trường THPT toàn thành phố cần tuyển 309 giáo viên.
Dự tuyển giáo viên môn toán, ứng viên Nguyễn Văn Sơn đánh giá, công tác thi tuyển được TP.HCM tổ chức rất nghiêm túc, khách quan. Việc bốc thăm thi tuyển và thực hành phương pháp giảng dạy trước giám khảo giúp ứng viên thể hiện được năng lực song cũng khá áp lực. “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra những yêu cầu mới đối với giáo viên về cả phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Thi thực hành sẽ bộc lộ rõ những điểm mạnh, điểm yếu của ứng viên, từ đó giám khảo chọn được ứng viên phù hợp nhất, ngay cả khi ứng viên đó mới ra trường nhưng nếu có kỹ năng giảng dạy tốt vẫn sẽ được lựa chọn, tạo sự khách quan, công bằng. Đây là điều tôi tâm đắc nhất”, ứng viên Nguyễn Văn Sơn chia sẻ. Dù đã “rớt” trong hai kỳ tuyển dụng liên tiếp, năm nay ứng viên Nguyễn Đức Tài (tỉnh An Giang) vẫn tham gia ứng tuyển vào vị trí giáo viên môn hóa ở 3 trường là THPT Vĩnh Lộc B, THPT Nguyễn Hữu Huân và THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Ứng viên này cho biết bản thân bị hấp dẫn bởi môi trường làm việc cạnh tranh, đổi mới của ngành giáo dục TP.HCM. Năm nay, môn hóa là môn có tỷ lệ chọi cao nhất, song ứng viên Nguyễn Đức Tài vẫn hy vọng có cơ hội trúng tuyển vào những trường THPT theo thứ tự ưu tiên về năng lực, sức cạnh tranh… Ông Tống Phước Lộc (Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM) thông tin, công tác tuyển dụng giáo viên được TP.HCM thực hiện theo Nghị định 115 của Chính phủ và Thông tư 06 của Bộ Nội vụ. Trong đó, ứng viên được chọn trường giảng dạy khi thi tuyển ngay từ đầu đã giúp hạn chế tình trạng giáo viên bỏ nhiệm sở sau khi trúng tuyển với lý do trường xa xôi, trường không như mong muốn… Qua đó nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường .
Theo ông Tống Phước Lộc, năm nay công tác tuyển dụng giáo viên của TP.HCM có nhiều tín hiệu vui, khởi sắc hơn mọi năm, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, tỷ lệ ứng viên tham gia dự tuyển ở tất cả các môn đều gia tăng. Đặc biệt, các môn khó tuyển dụng, đặc thù như âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ năm nay cũng đã có ứng viên dự tuyển, dù không nhiều. Tỷ lệ cạnh tranh cao nhất là ở các môn toán, lý, hóa với số ứng viên tham gia dự tuyển lớn, trong đó môn toán có gần 250 ứng viên dự tuyển trong khi chỉ tiêu là 26 giáo viên. Tỷ lệ cạnh tranh cao sẽ giúp các trường THPT lựa chọn được những giáo viên xuất sắc nhất, phù hợp nhất cho đơn vị mình.
Riêng vòng thi thực hành, ứng viên sẽ soạn bài giảng trong thời gian 15 phút và 15 phút thực hiện bài giảng như mọi năm, song năm nay có nhiều điểm mới hướng tới chọn lọc được những ứng viên phù hợp nhất thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Điểm mới trước hết là năm nay Phòng Giáo dục Trung học chọn lựa rất kỹ lực lượng giám khảo, với gần 100 giám khảo chấm thi là các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn các trường THPT, đã được sinh hoạt, tập huấn để thực hiện yêu cầu chấm. Điểm mới đáng chú ý nữa là nội dung thi bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không phân biệt bộ sách giáo khoa nào. Giám khảo dựa trên yêu cầu của chương trình để thực hiện chấm hoạt động của ứng viên”, ông Tống Phước Lộc nói.
Hiện TP.HCM bắt đầu tuyển dụng giáo viên cho năm học mới
Đặc biệt, ông Tống Phước Lộc cho biết, năm nay trên cơ sở đợt 1 tuyển dụng, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ rà soát những môn còn thiếu, tiếp tục xin ý kiến tổ chức đợt tuyển dụng thứ 2. Nếu đợt 2 vẫn không tuyển đủ, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có các giải pháp, quyết tâm làm sao đảm bảo đủ số lượng giáo viên thực hiện chương trình. Với những môn thiếu giáo viên, nguồn tuyển hằng năm hạn chế như mỹ thuật, âm nhạc, sở sẽ có hướng phối hợp với địa phương, phòng GD-ĐT để chia sẻ, điều phối giáo viên trong khu vực, trong cụm, trong quận/huyện, đảm bảo có giáo viên giảng dạy. Bởi trên cơ sở rà soát thực tế tại các trường có tổ chức giảng dạy âm nhạc, mỹ thuật, nhận thấy hiện nay các trường cũng tổ chức được một vài lớp, số tiết phân công giáo viên chưa đủ định mức, dẫn đến có thể phân công giáo viên làm công việc khác. Sở sẽ có định hướng để các trường chia sẻ giáo viên cho các trường khác mà không phân công giáo viên phụ trách các công việc khác.
Thay đổi trong công tác tuyển dụng toàn thành phố
Theo ông Tống Phước Lộc, trong công tác tuyển dụng giáo viên, thực tế có chuyện là khi ứng viên không đủ điều kiện trúng tuyển đúng nguyện vọng thì có khi không nhận nhiệm sở mà đăng ký thi tuyển ở một đơn vị quận/huyện khác, dẫn đến việc dù có ứng viên trúng tuyển nhưng trường vẫn thiếu giáo viên. Do đó, năm nay Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ làm việc rõ, phối hợp chặt chẽ trong chuyện chuyển công tác, tuyển dụng giữa các quận/huyện và sở để tạo sự thống nhất trong công tác tuyển dụng. “Năm nay, trong nội dung giao ban đầu năm giữa các quận/huyện, sở sẽ làm việc rõ, để làm sao tạo sự thống nhất, không có chuyện giáo viên trúng tuyển ở một trường thuộc quận/huyện này lại bỏ sang một nơi khác, dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu”, ông Tống Phước Lộc nói.
Quận 1 cũng vừa hoàn thành đợt tuyển dụng giáo viên năm học 2023-2024. Năm nay, quận có hơn 180 ứng viên đủ điều kiện dự tuyển song nhu cầu tuyển dụng lên đến gần 300 giáo viên ở các cấp học. Dù vậy, ở một số môn như môn toán lại có nhiều khởi sắc với số ứng viên dự tuyển cao. Đơn cử như Trường THCS Đồng Khởi chỉ tuyển 2 giáo viên song có tới 16 ứng viên dự tuyển. Điều này giúp nhà trường chọn lựa được giáo viên tốt nhất, phù hợp nhất với trường, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. “Năm nay quận tổ chức tuyển dụng giáo viên sớm hơn mọi năm và gần như là địa phương thực hiện tuyển dụng sớm nhất, nhằm tạo thuận lợi cho công tác tuyển dụng. Bởi thực tế, có những ứng viên dự tuyển cùng lúc ở nhiều địa phương, trúng tuyển nơi này nhưng lại rút sang nơi kia, khiến việc tuyển dụng kết quả chưa được như kỳ vọng. Với các môn như âm nhạc, mỹ thuật vẫn là những môn ít ứng viên dự tuyển, khó tuyển dụng thì chia sẻ giáo viên là phương án được quận tính đến với những trường không tuyển dụng được”, đại diện Phòng GD-ĐT quận 1 cho biết.
Trong vai trò người tuyển dụng, cô Bùi Thị Thanh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, quận 1) nhấn mạnh, yêu cầu về đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp và kiểm tra đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn là nội dung trọng tâm được chú trọng trong công tác tuyển dụng giáo viên.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)