Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Cẩn trọng khi xác định đối tượng ưu tiên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Thí sinh cần xác định đúng đối tượng, chính sách ưu tiên trước khi đăng ký hồ sơ. Trong ảnh: Thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH Đà Nẵng năm 2015

Thời điểm này, học sinh lớp 12 trên cả nước tất bật làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016. Hơn bao giờ hết, các em cần đọc kỹ quy chế của Bộ GD-ĐT để ghi chính xác đối tượng ưu tiên, chính sách ưu tiên…; bởi đã có nhiều câu chuyện buồn sau mỗi mùa thi từ “đỗ” thành “trượt” vì sai những lỗi này.

Đỗ thành trượt vì đối tượng ưu tiên

Mùa tuyển sinh năm học 2015-2016, hàng loạt sinh viên sau thời gian nhập học đã vô cùng bất ngờ và chới với khi bị nhà trường thông báo… trượt ĐH. Theo thống kê, tại các trường thành viên của ĐH Huế có 55 sinh viên; trong khi đó các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng cũng có nhiều trường hợp như vậy, trường ít thì 5-10 sinh viên, trường nhiều lên đến 44 sinh viên…

Nguyên nhân chính được xác định là sau khi nhập học một thời gian, nhà trường tiến hành hậu kiểm hồ sơ đăng ký nhập học thì phát hiện thí sinh chọn đối tượng ưu tiên không đúng, sau khi kiểm tra lại, số điểm ưu tiên thực cộng với điểm thi không đạt tổng điểm đầu vào nên buộc nhà trường phải thông báo là bị… trượt ĐH. Mặc dù sau đó để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh (vì đã qua hết các đợt tuyển sinh) nên các trường đã tạo điều kiện cho các em chọn lại ngành khác trong hoặc ngoài trường bằng với số điểm mà các em đạt được. Việc làm này vẫn đảm bảo cho thí sinh được tiếp tục học ĐH nhưng chắc chắn có em không hài lòng vì đó không phải là ngành mà các em lựa chọn, ưa thích. Đơn cử như tại Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, có 3 thí sinh không trúng tuyển, 4 thí sinh phải chuyển trường, 13 thí sinh phải chuyển ngành, 6 thí sinh phải đăng ký lại nguyện vọng.

“Bản thân mỗi thí sinh trước khi làm hồ sơ phải nghiên cứu kỹ quy chế, rà soát chính xác những đối tượng ưu tiên, chính sách ưu tiên mà mình được hưởng; đồng thời rà soát đối chiếu yêu cầu trong quy chế của các trường để tránh tối đa sai sót”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh (Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng) cho biết.

GS.TS Trần Văn Nam (Giám đốc ĐH Đà Nẵng) cho biết đa phần thí sinh hiểu sai minh chứng để được hưởng đối tượng ưu tiên 06. Các minh chứng sai chủ yếu là: Có quyết định trợ cấp một lần do Quân khu cấp chứ không phải là của Sở LĐ-TB&XH cấp; hiểu sai đối tượng con thương binh, nhiều thí sinh nhầm lẫn giấy chứng nhận tai nạn lao động của bố mẹ, kể cả tai nạn lao động trong thời gian trong quân ngũ được hưởng chính sách của con thương binh. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khai không đúng đối tượng là con của người dân tộc thiểu số để được hưởng ưu tiên… 

Lưu ý từ khi đăng ký hồ sơ

PGS.TS Đoàn Quang Vinh (Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng) khẳng định, trách nhiệm trong việc xác định đối tượng ưu tiên, chính sách ưu tiên hoàn toàn thuộc về thí sinh. Từ năm 2014 trở về trước, khi thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp vào các trường ĐH, CĐ thì bộ phận tiếp nhận hồ sơ rà soát kỹ và hướng dẫn lại nên ít xảy ra trường hợp sai sót về đối tượng, chính sách ưu tiên. Kể từ năm 2015, theo quy chế mới, các trường ĐH, CĐ chỉ kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ gốc của các em sau thời gian nhập học (gọi là công tác hậu kiểm) nên xuất hiện tình trạng trên.

Để tránh lặp lại những trường hợp đáng tiếc như năm 2015, tại buổi họp bàn công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại cụm thi 40 do ĐH Đà Nẵng phối hợp với Sở GD-ĐT Đà Nẵng chủ trì, ông Vinh lưu ý: Bản thân mỗi thí sinh trước khi làm hồ sơ phải nghiên cứu kỹ quy chế, rà soát chính xác những đối tượng ưu tiên, chính sách ưu tiên mà mình được hưởng; đồng thời rà soát đối chiếu yêu cầu trong quy chế của các trường để tránh tối đa sai sót. Ví dụ như các trường ĐH sư phạm thì hầu hết yêu cầu của họ là thí sinh phải đạt hạnh kiểm khá trở lên. Nếu thí sinh có hạnh kiểm trung bình nộp hồ sơ dự tuyển, đến khâu hậu kiểm phát hiện thì chắc chắn lỗi thuộc về các em. Đồng thời ông Vinh cũng cho biết cần sự phối hợp của Sở GD-ĐT trong việc nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm, bộ phận tiếp nhận hồ sơ tại các trường để hỗ trợ thí sinh trong quá trình xác định các chính sách, đối tượng ưu tiên để ghi vào hồ sơ đăng ký. “Nếu trong quá trình hậu kiểm của các trường ĐH, CĐ phát hiện thì thí sinh phải tự chịu trách nhiệm vì chính các em là người trực tiếp xác định đối tượng, chính sách ưu tiên của mình. Đó là lẽ đương nhiên và cũng là để đảm bảo công bằng cho các em khác. Tuy nhiên, cán bộ hướng dẫn nộp hồ sơ dự thi tại các trường phải nhắc cho học sinh của mình khi đăng ký, bởi hơn ai hết, người làm công tác giáo dục cũng không lấy gì làm vui vẻ khi chính học sinh của mình bị đánh từ đỗ thành trượt”, ông Vinh nói.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)